Ai thật sự được hưởng lợi trong cuộc chiến bán dẫn Mỹ-Trung?

06:30' - 31/12/2022
BNEWS Trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa, trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc được tăng cường, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng thị phần của Hàn Quốc trên thị trường Mỹ trong lĩnh vực này chỉ tăng nhẹ.

Điều này cho thấy Hàn Quốc không phải là bên được hưởng lợi từ cuộc xung đột lợi ích Mỹ-Trung. Trong khi đó, thị phần của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) trên thị trường nhập khẩu chất bán dẫn của Mỹ đã tăng gần gấp đôi.

Viện Thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) ngày 28/12 đã công bố một báo cáo có tiêu đề "Cơ hội và mối đe dọa đối với Hàn Quốc từ xu hướng tái tổ chức chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu".

Theo báo cáo này, trong khi giảm mạnh nhập khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc, Mỹ đã dịch chuyển việc kiếm tìm nguồn cung sang Đài Loan và một số nước khác. Đối tượng khảo sát của báo cáo KITA không chỉ bao gồm chất bán dẫn hệ thống mà còn cả chất bán dẫn bộ nhớ và DAO (linh kiện thiết bị quang học và chất bán dẫn tương tự).

Thị phần của Trung Quốc trên thị trường nhập khẩu chất bán dẫn vào Mỹ đã giảm mạnh từ 30,1% vào năm 2018, khi xung đột thương mại Mỹ-Trung diễn biến nghiêm trọng, xuống còn 11% vào năm 2021. Cũng trong thời gian này, thị phần của Đài Loan tăng từ 9,7% lên 17,4%, trong khi thị phần của Việt Nam và Malaysia, hai quốc gia có nhiều nhà máy đóng gói bộ nhớ bán dẫn, cũng tăng thêm lần lượt là 6,5% (tức từ mức 2,6% lên 9,1%) và 2,4% (từ mức 24% lên 26,4%). Để so sánh, thị phần của Hàn Quốc chỉ tăng 2%, từ 11,2% lên 13,2%.

Đài Loan trở thành bên hưởng lợi lớn nhất trong cuộc xung đột Mỹ-Trung với việc gia tăng thị phần lớn nhất trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Giới phân tích chỉ ra rằng sự gia tăng mạnh thị phần của Đài Loan tại Mỹ là kết quả của một lượng lớn đơn đặt hàng chất bán dẫn bộ nhớ và một chiến lược tích cực để mở rộng xưởng đúc (sản xuất ký gửi chất bán dẫn) tại thị trường lớn nhất thế giới.

Đặc biệt, TSMC, công ty sản xuất chip số một thế giới của Đài Loan, tiếp tục nới rộng khoảng cách với Samsung Electronics, công ty đang giữ vị trí số hai thế giới.

TSMC đang tích cực đầu tư dây chuyền sản xuất tại Mỹ. Vào ngày 6/12 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden và các Giám đốc điều hành lớn của Big Tech đã tham dự buổi lễ giới thiệu thiết bị tại nhà máy Phoenix của TSMC ở bang Arizona.

Sự kiện được giới phân tích đánh giá như biểu hiện của mối quan hệ trong "tuần trăng mật" Mỹ-Đài Loan. Cũng tại sự kiện trên, TSMC cũng đã công bố khoản đầu tư trị giá 40 tỷ USD (khoảng 50.700 tỷ won) vào Mỹ.

Tại Đài Loan, làn sóng đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn thậm chí còn sôi động hơn. Trong một sự kiện thu hút đầu tư mới nhất diễn ra ngày 27/12, người đứng đầu chính quyền Đài Loan bà Thái Anh Văn cho rằng "với hệ sinh thái toàn diện và lực lượng lao động xuất sắc, Đài Loan đang là điểm đến đầu tư tốt nhất".

Thị phần của Việt Nam và Malaysia gia tăng dường như chủ yếu đến từ quy trình đóng gói và những quy trình phụ trợ. Tại Việt Nam, tập đoàn Intel đã thử nghiệm nhà máy bao bì lớn nhất thế giới của mình, trong khi tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc đã thành lập pháp nhân địa phương.

Nhà nghiên cứu Do Won-bin thuộc Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho biết, với lĩnh vực bao bì đóng gói, giá trị gia tăng trên thực tế không cao, nhưng do được tính vào thống kê giá nhập khẩu thành phẩm hoàn thiện cuối cùng, nên số liệu thị phần là tương đối cao.

Hàn Quốc hiện được ghi nhận dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu chất bán dẫn bộ nhớ sang Mỹ, nhưng sự phụ thuộc vào Trung Quốc vẫn còn ở mức cao. Tính đến năm 2021, thị trường Trung Quốc chiếm 32,5% thị phần xuất khẩu chất bán dẫn hệ thống và 43,6% chất bán dẫn bộ nhớ của Hàn Quốc.

Chính vì thế, báo cáo của KITA vừa công bố đã nhấn mạnh việc "cần thiết đa dạng hóa xuất khẩu chất bán dẫn, vốn tập trung ở Trung Quốc, sang các nước khác"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục