Airbus và Boeing và cuộc cạnh tranh sản xuất máy bay cỡ nhỏ

08:10' - 02/02/2023
BNEWS Hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ đang chuẩn bị cho chương tiếp theo trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của họ bằng cách tu sửa hai trong số những tòa nhà lớn nhất thế giới.

Hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ đang chuẩn bị cho chương tiếp theo trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của họ bằng cách tu sửa hai trong số những tòa nhà lớn nhất thế giới - tác động bởi những thay đổi trong ngành du lịch hàng không.
Khi chiếc Boeing 747 cuối cùng xuất xưởng vào cuối ngày 31/1, một phần của nhà máy đã được dành để sản xuất các máy bay cỡ nhỏ hơn theo yêu cầu. Đây cũng chính là trọng tâm thay đổi mà đối thủ Airbus đang hướng tới.
Các động thái trên làm giảm bớt những hoài nghi về tương lai của nhà máy Everett chưa được sử dụng của Boeing ở phía Bắc Seattle (Mỹ), tòa nhà lớn nhất thế giới tính theo thể tích và nhà máy Jean-Luc Lagardere A380 của Airbus ở Toulouse, tòa nhà lớn thứ hai thế giới tính theo không gian có thể sử dụng.

 

Hoạt động sản xuất của nhà máy Everett cũng bị giảm mạnh do quyết định chuyển việc sản xuất máy bay Boeing 787 sang một cơ sở duy nhất ở Nam Carolina do nhu cầu đối với máy bay cỡ lớn giảm.

Boeing cho biết họ sẽ bổ sung một dây chuyền sản xuất 737 MAX mới ở Everett vào giữa năm 2024, bổ sung cho ba dây chuyền đã có tại nhà máy Renton, cách đó 50 km về phía Nam.
Điều này diễn ra giữa bối cảnh Airbus đang tiến hành lắp đặt một dây chuyền sản xuất mới cho máy bay phản lực thân hẹp A321neo tại nhà máy Lagardere. Boeing cũng vừa công bố kế hoạch mở rộng một nhà máy ở Alabama, tiểu bang nằm ở vùng Đông Nam nước Mỹ.
Từng đóng vai trò là những “pháo đài” độc quyền trong việc sản xuất các máy bay hai lối đi cỡ lớn, các nhà máy khổng lồ này sẽ trở thành một “tổ ong công nghiệp” cho các mẫu máy bay cỡ nhỏ một lối đi sinh lãi, phản ánh nhu cầu gia tăng đối với các chuyến đi ngắn và trung bình.
Các nhà phân tích cho biết động thái của Boeing báo hiệu niềm tin vào nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, bao gồm cả từ Trung Quốc, bất chấp những căng thẳng thương mại gần đây giữa hai nước.
Airbus và Boeing trong nhiều năm qua vẫn là “kẻ chín lạng, người một cân” trong thị trường máy bay một lối đi tạo ra nhiều lợi nhuận. Airbus đã vượt lên dẫn trước đối thủ từ Mỹ nhờ doanh số bán mạnh mẽ của mẫu máy bay A321neo và cuộc khủng hoảng về an toàn hàng không đối với mẫu máy bay 737 MAX của Boeing.
Ban đầu, Boeing đặt mục tiêu tăng sản lượng máy bay một lối đi hàng tháng từ 30 chiếc lên 50 chiếc, còn Airbus muốn tăng sản lượng từ 45 chiếc lên 75 chiếc, mặc dù các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu điều này có thể được thực hiện nhanh bằng cách nào.
Nhưng việc thu hẹp khoảng cách với Airbus là rất quan trọng để bảo toàn lợi nhuận của Boeing và củng cố vị thế của họ cho các lần ra mắt sản phẩm mới trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục