Ấn Độ lập ủy ban xem xét vấn đề tranh chấp bản quyền

07:00' - 07/05/2025
BNEWS Theo một bản ghi nhớ chính thức, Ấn Độ đã thành lập ủy ban để đánh giá xem liệu luật bản quyền hiện hành có thể giải quyết các tranh chấp liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) hay không.

Bản ghi nhớ, vốn chưa được công khai, cho biết vào tháng 4 vừa qua, Bộ Thương mại Ấn Độ đã thành lập ủy ban gồm 8 chuyên gia để  xem xét các vấn đề liên quan đến AI và những tác động của công nghệ này đối với luật bản quyền của Ấn Độ. Các chuyên gia được giao nhiệm vụ xác định và phân tích các vấn đề pháp lý cũng như các chính sách phát sinh từ việc sử dụng AI vi phạm bản quyền.

 

Các thành viên của ủy ban gồm luật sư về sở hữu trí tuệ, quan chức chính phủ và giám đốc điều hành trong các ngành liên quan. Họ sẽ phải đánh giá xem liệu Luật Bản quyền năm 1957 có đủ để giải quyết những mối lo ngại liên quan đến AI hay không và đưa ra các khuyến nghị cần thiết cho chính phủ.

Ủy ban trên được lập trong bối cảnh công ty OpenAI của Mỹ đang đối mặt với nhiều vụ kiện tụng liên quan đến cáo buộc khai thác tài liệu có bản quyền. Một nhóm các hãng tin và nhà xuất bản sách hàng đầu của Ấn Độ đã đệ đơn kiện OpenAI lên tòa án cấp cao tại New Delhi với cáo buộc công tỷ này đã sử dụng trái phép các nội dung để huấn luyện công cụ ChatGPT. Tuy nhiên, đại diện OpenAI phủ nhận cáo buộc này.

Tại Ấn Độ, Luật bản quyền hiện là tâm điểm các vụ kiện chống OpenAI. Công ty truyền thông NDTV, cùng với các tờ báo Indian Express, Hindustan Time và Hiệp hội các nhà xuất bản tin tức kỹ thuật số bày tỏ lo ngại trước việc dữ liệu của họ bị nhiều nền tảng AI sử dụng để huấn luyện các mô hình trí tuệ thông minh, qua đó vi phạm Luật bản quyền của Ấn Độ.

Trong khi đó, OpenAI cho biết chỉ sử dụng các dữ liệu công khai để huấn luyện công cụ của mình nên không vi phạm Luật bản quyền của Ấn Độ. Ngoài ra, OpenAI cũng thông báo đã cung cấp tùy chọn “từ chối” (opt-out) cho các trang web không muốn dữ liệu của họ được chia sẻ cho mục đích này.

Trên thế giới, nhiều tòa án cũng đang thụ lý các vụ kiện của các tác giả, hãng tin và nhạc sĩ cáo buộc các công ty công nghệ sử dụng tác phẩm có bản quyền của họ để huấn luyện các công cụ AI mà không được phép hoặc không trả phí.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục