Ăn Tết trên biển quê hương

09:58' - 16/02/2018
BNEWS Những ngày này, khi mọi người, mọi nhà đang tất bật đón Tết thì ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn hối hả cho chuyến vươn khơi xa.
Ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn hối hả cho chuyến vươn khơi xa. Ảnh minh hoạ: TTXVN

 Họ sẽ cùng nhau ăn Tết trên biển, quyết không bỏ trống ngư trường, khai thác thủy hải sản làm giàu cho quê hương, đất nước và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

* Cho những chuyến tàu vươn khơi

Những ngày cuối năm, cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng trở nên tấp nập hơn. Nhiều ngư dân đang gấp rút sửa soạn các ngư lưới cụ, nạp nhiên liệu, tập kết đá, mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết để vươn khơi trong những ngày giáp Tết.

Ngư dân Lê Văn Chiến, trú tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng chia sẻ, cũng giống chuyến vươn khơi đầu năm mới, chuyến đi biển vào những ngày cuối năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi ngư dân. Từ bao đời nay, với ngư dân tàu là nhà, biển là quê hương nên trước khi ra khơi các chủ tàu đều làm mâm cơm tất niên để cảm tạ các vị thần linh đã phù hộ cho một năm đi biển thuận buồm xuôi gió. Vì thế, chuyến đi này, mọi thứ đều chuẩn bị rất chu đáo để đón chuyến tàu Tết mang “lộc biển” trở về.

Năm 2017, ông Chiến đã đi được 9 chuyến với tổng sản lượng khai thác được gần 100 tấn thủy hải sản các loại. Trừ chi phí, ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 12 lao động, với thu nhập từ 70-80 triệu đồng/người/năm. Hiện gia đình ông Chiến đang gấp rút chuẩn bị tập kết đá, dầu, chuẩn bị các ngư lưới cụ cần thiết để vươn khơi chuyến biển cuối năm.

Mặc dù chuyến biển cuối năm chi phí cao hơn những chuyến ngày thường nhưng ông Huỳnh Quốc Việt, trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng vẫn ra khơi với mong muốn tôm, cá đầy khoang để trở đón Tết. Ông Việt chia sẻ, khác những chuyến đi biển ngày thường, chuyến đi biển những ngày cuối năm chi phí sẽ cao hơn nhưng bù lại thủy, hải sản lại bán được giá, lợi nhuận sẽ cao hơn. Để chuẩn bị cho chuyến đi biển, ông Việt đã thuê thêm 10 lao động và chuẩn bị khoảng 70 triệu đồng cho chuyến đi biển.

Chuẩn bị cho chuyến đi biển sắp tới, anh Phạm Đình Quy, quê ở tỉnh Quảng Ngãi cùng các thuyền viên tích cực chuẩn bị các ngư yếu cụ, nhu yếu phẩm cần thiết để vươn khơi. Anh Quy chia sẻ, những ngày cận Tết, hầu hết các tàu đều thiếu lao động đi biển nên chuyến đi biển này các chủ tàu thường trả cao hơn ngày thường nên anh em thuyền viên rất phấn khởi khi Tết đang đến gần.

* Ăn Tết trên biển quê hương

Khác với những lần đi biển trước đó, hành trang chuyến vươn khơi lần này của con tàu do ông Võ Duy Công, trú tại xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi làm chủ tàu cùng với 10 thuyền viên được chuẩn bị chu đáo, tươm tất hơn. Ngoài lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, chuyến đi biển lần này còn có thêm cả bia, rượu, nước ngọt, bánh kẹo, gà, bánh tét... để ăn Tết trên biển như ở nhà.

Đây là năm thứ 11 ông Công cùng các thuyền viên của mình ăn Tết trên biển. Thời điểm này là mùa khai thác cá ngừ đại dương nên hầu hết các tàu lớn của Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... đều ăn Tết trên biển. Cá ngừ đại dương đang được giá nên anh em thuyền viên rất phấn khởi để vươn khơi trước Tết Nguyên đán.

Chuyến đi biển này, ông Công đã chuẩn bị 600 cây đá, 5.000 lít dầu và một số thực phẩm mang hương vị ngày Tết với tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Ngày 25/12 âm lịch, tàu cá của ông Công cùng 4 tàu cá của Tổ liên kết Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ sẽ lướt sóng vươn khơi, tiến thẳng ra ngư trường Hoàng Sa truyền thống để khai thác thủy, hải sản.

Theo ông Công, những năm qua, Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân để cải hoán, đóng mới tàu, mua sắm thêm các trang thiết bị nên ông và các thuyền viên rất phấn khởi, yên tâm bám biển dài ngày. Ông Công khẳng định, khi nào hết đá, cá đầy khoang tàu của ông sẽ trở về.

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng đã 45 năm ông Trần Hay, trú tại xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi gắn bó với biển. Hơn 15 năm, Tết năm nào cũng vậy, sau khi tất niên cùng gia đình, ông Hay lại sửa soạn ra Đà Nẵng để chuẩn bị cho chuyến đi biển. Ông Hay chia sẻ, mỗi chuyến đi biển dịp Tết thường kéo dài khoảng 20 ngày nên lúc tàu về đất liền khi đó vẫn còn xuân, vẫn còn được ăn bánh tét, được đi chơi xuân, như vậy mình được ăn Tết những hai lần.

Hơn 15 năn Tết trên biển cũng là chừng ấy thời gian gắn bó với con tàu nên ông Hay được chủ tàu tín nhiệm là người đại diện các thuyền viên trên tàu cúng giao thừa. Thời khắc giao thừa, mọi nghi thức cúng tế thần biển được thực hiện đầy đủ như trên đất liền.

Những con cá, con mực câu được đầu tiên trong năm mới được ngư dân trân trọng dâng lên để cảm tạ thần biển, cầu may mắn, trời yên biển lặng cho một năm đánh bắt mới bội thu; đồng thời tưởng nhớ những người bạn biển xấu số. Sau khi cúng giao thừa, tất cả thuyền viên cùng quây quần bên nhau để chúc tuổi, thưởng thức các món ăn của dân tộc ngày Tết.

Mặc dù xa gia đình nhưng tối giao thừa, nối Icom, cả tàu vẫn được nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Thông qua hệ thống máy thông tin trên tàu, lần lượt các thuyền viên gọi về đất liền chúc Tết gia đình, người thân và cả những đồng nghiệp cũng đang đón giao thừa trên biển nên ai cũng thấy vui và tự hào. Những lời chúc ý nghĩa ấy như tiếp thêm động lực cho bà con ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, làm giàu cho quê hương, đất nước.

10 năm ăn Tết xa gia đình nhưng anh Huỳnh Văn Tiên, trú tại xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ không cảm thấy buồn bởi bên cạnh anh là những người bạn biển. Họ chính là những người thân trong gia đình, cùng ăn sóng nằm gió, kề vai sát cánh trên mỗi chuyến vươn khơi xa. Anh Tiên cho biết, trung bình mỗi năm anh đi 10 chuyến biển, mỗi chuyến kéo dài từ 15-20 ngày, do vậy, thời gian anh sống trên tàu, gắn bó với biển nhiều hơn trên đất liền. Giờ đây, đối với anh Tiên, bạn biển chính là người thân, tàu là nhà, ngư trường là quê hương.

Anh Tiên chia sẻ, được ăn Tết trên biển khiến mọi khoảng cách về địa lý của ngư dân cả nước được rút ngắn lại, Bắc – Nam anh em sum họp một nhà. Trên biển chẳng cần biết tàu của địa phương nào, cứ thấy cờ Tổ quốc Việt Nam tung bay phấp phới là mình cảm thấy hạnh phúc bởi ở đó có những người bạn biển, cùng làm ăn sinh sống trên ngư trường truyền thống của ông cha. Gặp nhau các thuyền viên cùng quây quầy chúc Tết, hát cho nhau nghe, chia sẻ về công việc đánh bắt, có khi lì xì nhau con gà, cái bánh, lon bia để cùng đón Tết.

Với ngư dân, Tết ở đâu cũng vậy, miễn sao chuyến đi biển đó thuận buồm xuôi gió, cá nặng, lưới đầy. Mặc dù, Tết phải xa gia đình nhưng họ không cảm thấy buồn bởi bên họ luôn có sự đồng hành của các lực lượng chấp pháp trên biển Việt Nam, những người bạn biển cùng “chia ngọt sẻ bùi” giữa sóng nước mênh mông. Tết Nguyên đán đang đến gần, cùng chúc cho bà con ngư dân có những chuyến biển bình an, gặp nhiều may mắn, chúc “thuyền anh mai về cho cá bạc đầy khoang”... để đón một năm mới sung túc bên gia đình../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục