Ấn tượng Hậu Giang

14:36' - 23/01/2023
BNEWS Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022.

Năm 2022, Hậu Giang tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIV và giành được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Các chỉ tiêu năm 2022 của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

 

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt cao nhất trong 18 năm qua, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 4 cả nước; cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực; hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế dần được cải thiện. Năm 2022 thực sự là năm ấn tượng trong phát triển kinh tế của Hậu Giang.

* Điểm sáng

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đều đạt kết quả ấn tượng, đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 13,94% (kế hoạch năm là 8%), cao nhất từ trước đến nay, vươn lên đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xếp thứ 4 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 65,89 triệu đồng/người, vượt 9,82% kế hoạch, tương đương 2.657 USD, tăng 21,43% so cùng kỳ.

Các khu vực kinh tế của tỉnh đều tăng trưởng trưởng tốt so cùng kỳ, trong đó khu vực II tăng trưởng mạnh nhất đạt 36,55%. Nhất là cơ cấu kinh tế của Hậu Giang tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng khu vực I, tăng khu vực II; cụ thể khu vực I hiện chiếm 24,06%, giảm 3% so cùng kỳ; khu vực II chiếm 29,95%, tăng 6,632% so cùng kỳ; khu vực III chiếm 36,86%; thuế trợ cấp sản phẩm chiếm 9,14%.

Sản xuất công nghiệp của Hậu Giang năm 2022 tiếp tục tăng trưởng về quy mô và giá trị, đóng góp cao vào sự phát triển chung, được 34.611 tỷ đồng, tăng 22,77% so với cùng kỳ, vượt 1,91% so với kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 3.582 tỷ đồng, tăng 22,3% chỉ tiêu cùng kỳ, giá trị giải ngân đạt 95% chỉ tiêu kế hoạch, cao hơn 2,62% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội được cải thiện, đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 11,94% so với cùng kỳ, vượt 4,3% chỉ tiêu kế hoạch. 

Đặc biệt, năm qua, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tăng cao so cùng kỳ, đạt mức tăng kỷ lục (tăng 1.120 tỷ đồng so năm 2021); nâng tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 6.080 tỷ đồng, đạt 133,86% dự toán Trung ương và đạt 126,67% dự toán Hội đồng Nhân dân tỉnh giao và thu điều tiết từ Trung ương là 4.350 tỷ đồng, đạt 103,51% dự toán Trung ương và 100% dự toán Hội đồng Nhân dân tỉnh.

* Phấn đấu tỉnh khá của cả nước

Năm 2023, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao; thu ngân sách tăng cao theo mục tiêu đề ra; tập trung giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Theo đó, trên cơ sở quy hoạch phát triển tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, tỉnh cụ thể hóa xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ đã xác định trong quy hoạch.

Cùng với đó, Hậu Giang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, năng lượng, công nghiệp thực phẩm, dịch vụ logistics, cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Nhất là tỉnh chú trọng phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển hiệu quả, bền vững, tối ưu hóa các nguồn lực cho phát triển, hình thành các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao.

Đồng thời, Hậu Giang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Cũng như tỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng hạ tầng khu công nghiệp, đô thị và du lịch; triển khai hoàn thành 2 tuyến cao tốc, từng bước hoàn thiện mạng lưới đường tỉnh theo hướng kết nối thuận lợi với hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ, kết nối vùng.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết địa phương được hưởng lợi hai tuyến cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua lại giao nhau trên địa bàn huyện nên địa phương xác định phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch trong tương lai là lợi thế. Huyện đã có kế hoạch phát triển theo lợi thế để đưa địa phương đến năm 2025 không còn những cái nhất như hiện nay như huyện nghèo nhất, cơ sở hạ tầng yếu nhất.

Năm 2023, tỉnh Hậu Giang xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới bằng việc triển khai hiệu quả Chương trình số 140-CTr/TU ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tỉnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Song song đó, Hậu Giang đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông minh vào các khâu sản xuất, hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng chất lượng, sức cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.

Đồng thời, tỉnh đề ra thu hút doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở nông thôn; duy trì và phát triển các làng nghề, giải quyết việc làm trong nông thôn. Bên cạnh, tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đẩy mạnh thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm”.

Nhất là tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; quan tâm phát triển hợp tác xã trong các lĩnh vực thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã và giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác; hỗ trợ ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ 4.0 cho kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đối với phát triển công nghiệp, đô thị, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư trong năm 2023, Hậu Giang phấn đấu có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá, không còn là tỉnh khó khăn về phát triển kinh tế. Trong đó, tỉnh phát triển thêm một số khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Trong đó, tỉnh tạo môi trường sinh hoạt văn minh; thủ tục đầu tư nhanh chóng, thuận tiện; cam kết mạnh mẽ của chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất quán tuyên ngôn “Một văn hóa, một ngôn ngữ” Hậu Giang hành động vì chung một mục tiêu, chung một công việc, chung một hành động, vì sự phát triển của doanh nghiệp và của tỉnh, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đặc biệt, năm 2023, Hậu Giang tập trung nguồn lực, triển khai các công trình giao thông trọng điểm để tạo nền tảng, sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo tính hiệu quả của ngân sách nhà nước đã phân bổ, đầu tư; trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ, hạ tầng giao thông các tuyến đường liên vùng, tuyến kết nối các khu công nghiệp của tỉnh; phát triển đồng bộ giữa hai phương thức vận tải đường bộ và đường thủy.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục