Áp lực bán dâng cao, VN-Index đuối sức trước mốc 1.300 điểm

16:23' - 11/06/2024
BNEWS Bước vào tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá “lình xình” và gặp khó khăn trước mốc 1.300 điểm.

Hôm nay (11/6), chỉ số đi xuống trước áp lực bán mạnh mẽ của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đáng chú ý, hôm nay đã là phiên thứ 13 liên tiếp bán ròng của khối ngoại.

Chốt phiên giao dịch 11/6, VN-Index giảm 6,26 điểm xuống 1.284,41 điểm; HNX-Index tăng nhẹ 0,83 điểm lên 246,41 điểm; UPCOM-Index giảm 0,61 điểm xuống 98,95 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh, đạt tới gần 29.000 tỷ đồng.

Rổ cổ phiếu VN30 đua nhau giảm giá, với 21 mã nhuộm đỏ. Nhóm bất động sản chịu áp lực bán mạnh, khiến sắc đỏ là chủ đạo. Các nhóm thủy sản, kho bãi, ngân hàng, bán lẻ đều ở chiều giảm giá. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng và công nghệ thông tin tăng giá.

Phiên 11/06, khối ngoại bán ròng đến 1.881 tỷ đồng, cao nhất 8 phiên và là phiên bán ròng thứ 13 liên tiếp.

Cổ phiếu FPT dù tăng giá, nhưng là mã bị bán ròng nhiều nhất, với 248 tỷ đồng. Ngoài FPT, còn có 2 cổ phiếu khác cũng bị bán ròng trên 200 tỷ đồng là HPG (204 tỷ đồng) và VHM (202 tỷ đồng).

Trong báo cáo chiến lược tháng 6/2024, chủ để “Bảo vệ thành quả”, các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, theo lịch  sử thống kê từ năm 2010 đến nay, tháng 6 không phải là một tháng thật sự tích cực cho thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại chỉ số VN-Index đã phục hồi gần 10% và mức phục hồi cao hơn ở những ngành công nghệ thông tin, bán lẻ, thép, năng lượng, tài chính chỉ trong khoảng 5 tuần giao dịch.

Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán vừa trải qua qua giai đoạn biến động mạnh từ điều chỉnh đến phục hồi và cần thời gian để củng cố cung cầu trên vùng đỉnh cũ.  Theo đó, cung chốt lời bảo toàn lợi nhuận và hạ tỷ lệ vay nợ khi thị trường tiến về cuối quý II có thể khiến thị trường khó bứt phá trong ngắn hạn.

 

SSI cũng chỉ ra rằng, rủi ro về địa chính trị và viêc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn giảm lãi suất sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến các cân đối vĩ mô trong nước và sẽ tác động không tích cực đến thị trường chứng khoán.

Về các yếu tố nội tại, các rủi ro lớn có thể kể đến như tỷ giá và áp lực lên lãi suất, thị trường BĐS còn yếu trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm 2024 vẫn còn rất cao và tiêu dùng phục hồi không đạt như kỳ vọng.

SSI nhấn mạnh việc bảo toàn thành quả cho danh mục là chiến lược có thể phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại. Ở chiều mua, việc đa dạng hóa danh mục theo ngành có thể giúp nhà đầu tư chủ động đón đầu dòng tiền liên tục xoay vòng và hạn chế rủi ro.

SSI khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng, chỉ mua gom trong các nhịp điều chỉnh và việc lựa chọn nên tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng kết quả kinh doanh cao và ổn định. Nhiều nhóm ngành sẽ lần lượt hồi phục trên nền so sánh rất thấp của năm ngoái.

Theo ước tính của SSI Research, các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng vững chắc trong các nhóm ngành bán lẻ, phân bón, thép, tôn mạ, chứng khoán và xuất khẩu sẽ có cơ hội nhiều nhất trong năm 2024.

Trong khi đó, sự chú ý của thị trường còn mở rộng sang một số nhóm ngành có định giá gần như đi ngang nếu tính từ đầu năm 2023 như nhóm thực phẩm đồ uống và nhóm Tiện ích (điện) và các cổ phiếu dự kiến trả cổ tức cao.

Công ty chứng khoán này nhận định, triển vọng thị trường chứng khoán trung dài hạn vẫn tích cực khi nhìn vào bức tranh lớn. Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục.

Nhờ vậy, kỳ vọng về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết quay lại quỹ đạo tăng trưởng là một trong những động lực chính cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý II và nửa cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel sẽ được cụ thể hóa hơn cũng là một yếu tố quan trọng cho thị trường chứng khoán.

Giai đoạn nửa cuối năm cũng là lúc các nhà đầu tư bắt đầu thiết lập kỳ vọng cho 2025 và đang có những cơ sở để cho rằng sẽ có những hồi phục tốt hơn về kinh tế thế giới và Việt Nam, trong khi các yếu tố rủi ro cũng sẽ hiện diện rõ hơn và có thể có tác động nhẹ hơn đối với thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục