Áp lực "mở cửa" trong liên minh cầm quyền tại Nhật Bản

05:30' - 23/02/2022
BNEWS Không chỉ giới doanh nghiệp mà nội bộ liên minh cầm quyền đang gây sức ép với Thủ tướng Kishida Fumio về việc nới lỏng hơn nữa chính sách “đóng cửa với thế giới” để kiểm soát dịch COVID-19 trong nước.
Theo báo Mainichi (Nhật Bản), không chỉ phe đối lập và giới doanh nghiệp Nhật Bản mà chính nội bộ liên minh cầm quyền đang gây sức ép với Thủ tướng Kishida Fumio nới lỏng hơn nữa chính sách “đóng cửa với thế giới” để kiểm soát dịch COVID-19 trong nước.

Trước đó, phát biểu trước báo giới trong buổi thị sát về công tác phòng dịch tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo ngày 12/2, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chính phủ nước này đang cân nhắc theo hướng nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài kéo dài từ cuối tháng 11/2021 và dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 2/2022.

Theo kế hoạch dự kiến được Thủ tướng Kishida công bố ngày tối ngày 17/2, giai đoạn cuối tháng Hai, chính sách này sẽ được nới lỏng đối với đối tượng là người nhập cảnh với mục đích kinh doanh trong ngắn hạn, ưu tiên các kỹ sư, nhà nghiên cứu làm việc liên quan đến tiện ích công cộng và lưu học sinh có nguy cơ không thể tốt nghiệp nếu không tham gia các buổi học trực tiếp tại trường đại học ở Nhật Bản

Theo khảo sát của Ủy ban Điều tra chính sách LDP, có tới 140.000 sinh viên quốc tế không thể nhập cảnh vào Nhật Bản mặc dù đã nhận cấp giấy phép lưu trú từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021.

Từ đầu tháng Ba, về cơ bản chính phủ sẽ nới lỏng cho toàn bộ đối tượng người nước ngoài xin thị thực mới nhập cảnh vào Nhật Bản. Bên cạnh đó, một loạt các giải pháp hỗ trợ đi kèm gồm có đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép của nhà trường hoặc doanh nghiệp ở Nhật Bản, giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 từ 7 ngày xuống còn 3 ngày và số lượng người nhập cảnh sẽ được điều chỉnh tăng dần, có thể lên mức 5.000 người/ngày tương tương thời điểm trước tháng 11/2021 tùy vào tình hình thực tế.

Tuy nhiên, một bộ phận nghị sỹ trong liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh cho rằng, cần làm nhiều hơn để vực dậy nền kinh tế Nhật Bản vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trong suốt hơn 2 năm vừa qua.

Ngày 16/2, Tổng Thư ký Hạ viện của LDP Hiroshige Seko đã chuyển đến Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno một bản đề xuất cấp bách do một nhóm nghị sỹ của LDP độc lập biên soạn. 

Văn bản nhấn mạnh chính sách kiểm soát biên giới hiện nay của Thủ tướng Kishida dường như vẫn quá thận trọng và Nhật Bản đang nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nguồn nhân lực và nền kinh tế của Nhật Bản, suy giảm mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhật Bản so với các nước đã thực hiện nới lỏng kiểm soát biên giới.

Bản kiến nghị cũng chỉ rõ, ban đầu, chính sách này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản với mục tiêu cao nhất là ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron vào Nhật Bản. 

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã thay đổi, các đặc tính của biến thể này cũng đã được nắm rõ trên cơ sở khoa học vững chắc, nên đây là thời điểm thích hợp để mở cửa với thế giới. Chính phủ dự kiến tăng lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản từ 3.500 người/ngày lên 5.000 người/ngày, nhưng dường như chính sách này vẫn còn quá khắt khe và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo trong một cuộc họp nội bộ “Phe Abe” nhấn mạnh, Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu so với sự phục hồi kinh tế của thế giới. Trong khi đại diện của đảng Công minh Natsuo Yamaguchi từng chia sẻ với báo giới rằng, Chính phủ Nhật Bản cần một đối sách mới trước dịch COVID-19 theo hướng loại bỏ dần các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, bao gồm cả các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao.

Thượng Nghị sỹ Seko Hiroshige, Tổng Thư ký LDP trong một phát biểu tại họp báo ngày 15/2 cũng cho rằng, chính sách kiểm soát biên giới đang mất tác dụng khi dịch bệnh đã lan mạnh trong cộng đồng tại Nhật Bản. Do đó, thay vì cấm người nước ngoài nhập cảnh thì nên dỡ bỏ quy định này và tập trung nhiều hơn vào công tác chống dịch trong nước.

Chính sách đối với dịch COVID-19 vốn là một vấn đề rất nhạy cảm tại chính trường Nhật Bản. Thực tế cho thấy, uy tín của Chính quyền cựu Thủ tướng Suga Yoshihide đã bị sụt giảm nghiêm trọng khi nhiều người không hài lòng với chính sách chống dịch COVID-19 của chính phủ, làm cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế của nước này. 

Có thể lý giải được các bước đi thận trọng của Thủ tướng Kishida khi cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa Hè đang tới gần. Tuy nhiên, quá thận trọng có thể là “con dao hai lưỡi” đối với chính quyền đương nhiệm, nhất là khi chính trong nội bộ liên minh cầm quyền cũng đã tỏ ra không hài lòng về chính sách này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục