APEC 2017: Hình thành các chuỗi cung ứng và giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực

16:16' - 26/08/2017
BNEWS APEC gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực.
Đại diện các nền kinh tế gặp gỡ bên lề đối thoại. Ảnh: Thế Anh-TTXVN

Trong khuôn khổ năm APEC 2017, từ ngày 18 - 25/8, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra “Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” đã diễn ra nhiều hoạt động lớn với mục tiêu an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong dịp này còn có các cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa các nền kinh tế thành viên APEC nhằm mở cửa thị trường nông sản.

Tham dự và phát biểu định hướng tại Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trịnh Đình Dũng đã nêu rõ, APEC gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực.

Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung, đòi hỏi các nền kinh tế thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Trong Tuần lễ an ninh lương thực đã diễn ra 6 nhóm hoạt động lớn.

Đó là đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Đối thoại giữa các bộ trưởng và các lãnh đạo doanh nghiệp về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững; Các cuộc họp thường niên của các nhóm công tác APEC như: Chính sách ANLT (PPFS), Đại dương và Nghề cá (OFWG), Công nghệ sinh học nông nghiệp (HLPDAB), Hợp tác kỹ thuật nông nghiệp (ATCWG)...

Các hội thảo kỹ thuật chuyên đề trong khuôn khổ hoạt động của các nhóm công tác: xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng – Tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương bền vững; thách thức đối với an ninh lương thực và tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực APEC; công nghệ sinh học nông nghiệp chuyển sang kỷ nguyên số; giảm thất thoát và lãng phí lương thực, hướng tới một hệ thống lương thực APEC bền vững; chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông thôn hướng tới an ninh lương thực và tăng trưởng về chất lượng; thực hành nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu và các chính sách liên quan đến an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững; chuỗi giá trị lương thực thúc đẩy phát triển nông thôn- đô thị khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và Diễn đàn nông nghiệp APEC về khởi nghiệp và sáng tạo.

Bên cạnh đó còn diễn ra triển lãm APEC về nông nghiệp trong nước và quốc tế; các chuyến tham quan thực địa của các đại biểu tại các mô hình phát triển nông nghiệp.

Đối thoại an ninh lương thực đã thông qua 3 văn kiện mang ý nghĩa quan trọng.

Văn kiện thứ nhất là Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu (MYAP), Lộ trình an ninh lương thực và các Mục tiêu Bogor năm 2020.

Ngoài ra, MYAP sẽ thúc đẩy tăng cường phối hợp khu vực trong việc giải quyết các thách thức liên quan chặt chẽ đến an ninh lương thực, phát triển, thích ứng biến đổi khí hậu và tiết kiệm lương thực.

Văn kiện thứ hai về Kế hoạch hành động (AP) thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn-đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.

Kế hoạch hành động hướng tới giải quyết các thách thức liên quan đến phát triển nông thôn - đô thị và an ninh lương thực.

Văn kiện thứ ba là Tuyên bố Cần Thơ về Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Văn kiện nêu rõ an ninh lương thực sẽ tiếp tục là một vấn đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực APEC nói riêng, cũng như vai trò quan trọng của nền kinh tế APEC trong chuỗi giá trị hiện nay về an ninh lương thực toàn cầu.

An ninh lương thực, đói nghèo, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững có liên quan chặt chẽ và cần được giải quyết cùng nhau.

Phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững có đóng góp đáng kể vào việc đạt được một loạt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Các nền kinh tế thành viên APEC cần thúc đẩy phát triển nông thôn một cách toàn diện, có khả năng thích ứng và phát triển kinh tế nông thôn.

Tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong nông nghiệp và thị trường lương thực ở khu vực: thương mại và đầu tư trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và thủy sản là rất quan trọng đối với an ninh lương thực trong khu vực APEC và thế giới.

Các nền kinh tế hoan nghênh các nỗ lực chung trong việc thúc đẩy thương mại, công nghệ tiên tiến, tiếp cận thị trường lương thực và kết nối chuỗi cung ứng để giảm chi phí và cải thiện tính minh bạch của thị trường.

Cùng với đó là quản lý thất thoát và lãng phí lương thực, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng cũng như thực hiện và chuyển giao công nghệ giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, các kết quả của các hoạt động trong Tuần lễ an ninh lương thực đã góp phần quan trọng cụ thể hóa một trong bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 là “Tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Đồng thời thể hiện cam kết của các thành viên APEC đóng góp vào việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Trong dịp này, đã diễn ra nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa các các bộ, ngành phụ trách nông nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC. Với Australia, Việt Nam đã ký kết “Ý định thư hợp tác lâu dài trong nghiên cứu nông nghiệp” và “Bản Ghi nhớ về phòng chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định”.

Hai bên cũng tuyên bố hoàn thiện các thủ tục mở cửa thị trường Australia cho quả thanh long Việt Nam và mở cửa thị trường Việt Nam cho quả anh đào Australia; cam kết phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh các thủ tục tiếp cận cho các nông sản khác, góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Phó Tổng giám đốc FAO kiêm Trưởng Đại diện FAO châu Á–Thái Bình Dương.

FAO khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thông qua tăng cường năng lực về chính sách, thể chế, phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo gắn với sáng kiến “Không đói nghèo”, phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, và thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH.

Xem thêm:

>>>APEC 2017: Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành logistics

>>>APEC 2017: Đẩy mạnh hoạt động thương mại đa phương phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục