ASEAN 2020: Các Bộ trưởng Kinh tế thống nhất sẽ không tạo thêm rào cản kỹ thuật

19:30' - 04/06/2020
BNEWS Với tư cách là Chủ tịch của Năm ASEAN 2020, Việt Nam đã, đang và sẽ tổ chức hàng loạt hội nghị ở nhiều cấp khác nhau, từ cấp cao, cấp Bộ trưởng, cấp Vụ và cấp chuyên viên.

Chia sẻ tại buổi họp báo chiều 4/6 về Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN +3 đặc biệt trực tuyến về ứng phó dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Với tư cách là Chủ tịch của Năm ASEAN 2020, Việt Nam đã, đang và sẽ tổ chức hàng loạt hội nghị ở nhiều cấp khác nhau, từ cấp cao, cấp Bộ trưởng, cấp Vụ và cấp chuyên viên.

Để kịp thời ứng phó với việc bùng phát đại dịch COVID-19, với diễn biến phức tạp và khó lường, ASEAN cùng với 3 nước đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (gọi tắt là ASEAN +3) tổ chức hai hội nghị trực tuyến đặc biệt về ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Hà Nội trong ngày hôm nay.
Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc cùng chung tay hợp tác để đối phó và ngăn chặn đại dịch trong khu vực, góp phần ngăn chặn đại dịch trên toàn thế giới.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nhằm triển khai chỉ đạo của các Nguyên thủ ASEAN tại “Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao ASEAN đặc biệt về đại dịch COVID-19”, được tổ chức vào ngày 14 tháng 4 năm 2020, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đặc biệt về đối phó với dịch COVID-19 trong nội bộ các thành viên ASEAN.
Hội nghị đã tập trung thảo luận “Tuyên bố chung của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN và các Hội đồng kinh doanh khác trong khu vực về vấn đề đại dịch COVID-19” nhằm lắng nghe quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp để khơi thông các luồng thương mại và đầu tư trong khu vực ASEAN.
Đặc biệt, các Bộ trưởng đã cùng đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực thảo luận khả năng thiết lập một cơ chế hợp tác mang tính công - tư giữa các Bộ trưởng với Cộng đồng doanh nghiệp để có thể cùng xử lý nhanh nhất các vấn đề phát sinh, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại và đầu tư trong khu vực.
Các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận cao về việc ASEAN tiếp tục hợp tác chặt chẽ để duy trì và tiến tới hồi phục và thúc đẩy chuỗi cung ứng trong khu vực, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác kinh tế thời gian tới.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng cũng đã trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh tại các nước ASEAN; các kế hoạch phòng, chống đại dịch tại từng nước cũng như kế hoạch hợp tác của ASEAN trong thời gian tới nhằm tối thiểu hóa các tác động tiêu cực của đại dịch đến cộng đồng từng nước cũng như cộng đồng dân cư trong khu vực.
Với vai trò là Chủ tịch của Năm ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các thành viên ASEAN xây dựng bản Kế hoạch Hành động Hà Nội về củng cố hợp tác kinh tế ASEAN và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.
Bản Kế hoạch này tập trung vào đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể các hàng hóa thiết yếu, bao gồm cả thực phẩm, dược phẩm cũng như các chuỗi cung cấp thuốc liên quan đến dịch COVID-19.
Cùng với đó, Bản Kế hoạch đề cập tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nước ASEAN trong việc đối phó đại dịch; hạn chế áp dụng các biện pháp phi quan thuế đối với việc xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa thiết yếu, dược phẩm có liên quan đến dịch COVID-19. Đặc biệt là tăng cường kết nối chuỗi cung ứng trong cả ngắn và dài hạn, do xác định dịch sẽ có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Về kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 trực tuyến đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: Ngay sau Hội nghị cấp Bộ trưởng kinh tế trong nội bộ ASEAN, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng đã có cuộc họp trực tuyến đặc biệt với các Bộ trưởng kinh tế của ba nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm triển khai chỉ đạo mà các Nhà Lãnh đạo đã đưa ra tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch COVID-19 diễn ra vào ngày 14/4/2020.

Trên cơ sở các nội dung đã được các nước ASEAN thống nhất và để thể hiện vai trò trọng tâm của ASEAN trong việc duy trì ổn định, hợp tác kinh tế trong khu vực, các nước ASEAN đã cùng 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua Tuyên bố chung của ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Hội nghị đã đạt đươc sự đồng thuận cao về các kế hoạch hành động, hợp tác, phương hướng cho thời gian tới để quyết tâm khắc phục hậu quả và ngăn chặn sự ảnh hưởng lây lan của đại dịch trong thời gian tới và vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và không để bất kỳ nước nào, cộng đồng nào trong ASEAN bị tụt lại phía sau.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cả hai hội nghị đều đề cập đến những vấn đề lớn và những tác động, dự báo còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Điều quan trọng trong Tuyên bố chung và chương trình hành động đều đề cập đến những vấn đề lớn trong chính sách để đảm bảo hợp tác giữa các nước trong khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác để đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 cũng như khôi phục kinh tế.
“Các Bộ trưởng khẳng định, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và theo nhiều dự báo thì cuối năm nay, dịch có khả năng sẽ quay trở lại. Chính vì vậy, tất cả Bộ trưởng của ASEAN và ASEAN+3 đều thống nhất mục tiêu cao nhất phải tiếp tục đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, để những chương trình hợp tác có hiệu quả về kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, các nội dung tiếp tục tính toán đến các biện pháp để hồi phục nền kinh tế, đảm đảm bảo lợi ích của mỗi quốc gia cũng như các nước đối tác”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Với góc độ tác động mạnh của dịch, các Bộ trưởng đều thống nhất một số biện pháp quan trọng đảm bảo dòng luân chuyển và vận chuyển của hàng hoá thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân như: an ninh lương thực, các mặt hàng thực phẩm, thiết yếu, thuốc men, vật phẩm y tế để chuỗi cung ứng được thông suốt giữa ASEAN và các nước đối tác.
Các quốc gia trong ASEAN và đối tác đều khẳng định đây chính là thời điểm rất quan trọng mà kinh tế toàn cầu và kinh tế khu vực sẽ phải đối mặt với những yêu cầu về tái cấu trúc những chuỗi cung ứng.
Từ những bài học kinh nghiệm thực tế rất dễ bị tổn thương thời gian qua trong chuỗi cung ứng mà các nước đã tham gia, các nước đều thống nhất tập trung vào con đường hợp tác nội khối, tạo ra những khu vực có sức cạnh tranh cao thu hút đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển thị trường theo hướng mở cửa, hạn chế những biện pháp rào cản, kể cả thuế quan và phi thuế quan.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, trong cuộc chiến với dịch COVID-19, Chính phủ đã rất chủ động linh hoạt trong các biện pháp để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người dân, cũng như phòng chống dịch có hiệu quả, vừa đưa ra các giải pháp nhằm khôi phục lại các hoạt động kinh tế, thiết lập trạng thái bình thường mới cho cộng đồng doanh nghiệp, đời sống nhân dân.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, tất cả các mối quan hệ hợp tác cho dù trong nội khối ASEAN hay với các đối tác của ASEAN đều có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Chỉ có hợp tác mới mang lại hiệu quả cao, ổn định phát triển của mỗi quốc gia.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các Bộ trưởng cam kết sẽ không ban hành thêm hàng rào kỹ thuật để tạo thuận lợi cho sự hồi phục kinh tế trong nội khối thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục