Bắc Bán cầu hứng chịu nắng nóng gay gắt ngay từ đầu mùa Hè

06:00' - 15/07/2023
BNEWS Mùa Hè mới bắt đầu ở Bắc Bán cầu nhưng nắng nóng đã bao trùm khu vực châu Âu, Trung Quốc và Mỹ với dự báo nhiệt độ cao sẽ xuất hiện vào cuối tuần. Đây là bằng chứng về những nguy cơ khí hậu ấm lên.

Trung Quốc đã kích hoạt trở lại cảnh báo ở mức vàng khi các đợt sóng nhiệt ảnh hưởng tới nhiều vùng trên cả nước. Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo nhiệt độ ban ngày ở nhiều vùng tại Tân Cương, miền Bắc Trung Quốc và các vùng giữa sông Hoàng Hà và sông Hoài, cũng như một số vùng ở phía Nam sông Trường Giang và miền Nam Trung Quốc, sẽ lên mức 35 độ C trong ngày 14/7.

 

Nhiệt độ ở các vùng Tân Cương, Hà Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông có thể sẽ tăng lên khoảng 37-39 độ C.

Nhiệt độ cao nhất ở một số vùng tại Tân Cương và Phúc Kiến có thể vượt 40 độ C. Cơ quan trên cũng khuyến cáo người dân hạn chế hoạt động ngoài trời vào buổi chiều và những người làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao nhiều giờ dưới ánh mặt trời cần cẩn trọng.

Trong khi đó, khuyến cáo đề phòng nắng nóng cực đoan đã được đưa ra đối với hơn 100 triệu người Mỹ khi Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) dự báo thời tiết đặc biệt nguy hiểm tại các bang Arizona, California, Nevada và Texas.

Cư dân ở nhiều nơi phía Nam nước Mỹ trải qua điều kiện nhiệt độ cao bất thường trong nhiều tuần. Giới khoa học cho rằng nhiệt độ tại Thung lũng chết (Death Valley) ở sa mạc phía Nam bang California là ngang bằng hoặc cao hơn kỷ lục nóng nhất trên Trái Đất. Theo dữ liệu của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO), Thung lũng chết đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 56,7 độ C vào năm 1913.

Nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Ba Lan cũng đang trải qua điều kiện thời tiết nóng khắc nghiệt.

Theo Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), tại các đảo Sicily và Sardinia của Italy nhiệt độ có thể lên tới 48 độ C và có khả năng đây là mức nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Âu. Cơ quan khí tượng quốc gia Hy Lạp (EMY) cho biết nhiệt độ trên đất liền sẽ tăng cao nhất vào các ngày 15-16/7, lên tới 43 độ C.

Theo các chuyên gia, nhiệt độ cao được dự báo sẽ phổ biến trong 6 ngày tới tại Hy Lạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, đặc biệt đối với người già và người có bệnh lý.

Tại thủ đô Athens, nhiệt độ đã lên tới 39 độ C hôm 13/7 và được dự báo sẽ tăng lên trên 40 độ C vào các ngày cuối tuần, trước khi giảm xuống lần lượt là 39 độ C và và 38 độ C các ngày tiếp theo.

Tại Bắc Phi, Cơ quan khí tượng của Maroc đã ban hành cảnh báo đỏ về nóng cực đoan đối với khu vực phía Nam đất nước.

Tháng 6 vừa qua cũng được xem là tháng 6 nóng nhất theo nghi nhận của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan theo dõi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh thời tiết cực đoan bắt nguồn từ hiện tượng khí hậu ấm lên “thật không may đang trở thành bình thường mới”.

Theo WMO, nắng nóng quá mức là một trong những hiện tượng khí hậu gây tử vong nhiều nhất đối với con người. Nghiên cứu gần đây cho thấy trong mùa Hè nóng kỷ lục năm 2022, châu Âu đã có hơn 61.000 người tử vong vì các nguyên nhân liên quan nắng nóng.

Theo giới khoa học, yếu tố góp phần vào nhiệt độ cao hơn của năm nay có thể là hiện tượng thời tiết El Nino. Hiện tượng El Nino, xảy ra 2-7 năm/lần, khiến nhiệt độ bề mặt đại dương ấm hơn mức trung bình ở trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương gần Xích đạo. El Nino thường kéo dài từ 9 - 12 tháng. Trong năm nay, nhiệt độ các đại dương ở mức "cao đặc biệt".

Theo cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ mặt nước ngoài khơi bờ biển phía Nam bang Florida đã vượt qua 32 độ C. Trong khi đó, theo WMO, tại Địa Trung Hải nhiệt độ bề mặt sẽ cao đặc biệt trong những tuần tới, một số nơi sẽ vượt mức 30 độC. Nhiệt độ đại dương ấm lên có thể gây hậu quả tàn khốc đối với đời sống thủy sinh và ảnh hưởng tiêu cực tới ngành đánh bắt cá.

Trong khi đó, tại Nam Cực, băng ở biển vào tháng 6 vừa qua giảm xuống mức thấp nhất ghi nhận trong tháng 6 hằng năm từ trước đến nay.

Thế giới đã ấm lên trung bình gần 1,2 độ C kể từ giữa những năm 1800, gây ra các đợt nóng gay gắt hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và các cơn bão mạnh hơn do nước biển dâng. WMO cho rằng đợt nắng nóng hiện nay "cho thấy rõ tính cấp bách ngày càng tăng của việc giảm khí thải nhà kính càng nhanh và càng sâu càng tốt"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục