Bắc Ninh đẩy mạnh đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

14:56' - 08/11/2024
BNEWS Bắc Ninh sẽ tăng cường đào tạo kỹ năng khai thác các ứng dụng thương mại điện tử; đề xuất phát triển cơ sở hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đưa sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. 

Theo đó, Sở Công Thương đã cung cấp thông tin dữ liệu, phân tích dự báo thị trường, giá thành đối với từng loại sản phẩm nông sản của các huyện, thị xã, thành phố; cung cấp thông tin phục vụ việc tuyên truyền tiêu thụ sản phẩm nông sản của các huyện, thị xã, thành phố; hỗ trợ sàn thương mại điện tử trong thực hiện thủ tục xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu ra quốc tế; tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ theo chức năng chuyên môn cho hộ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, địa phương cũng xây dựng ứng dụng “Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh” (http://www.ecombacninh.vn) ứng dụng trên nền thiết bị di động, để tạo thuận lợi cho các chủ thể đưa sản phẩm lên sàn và người tiêu dùng truy cập mua sắm.

Đến nay, Bắc Ninh có 167 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao; trong đó, 20% chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP có website giới thiệu sản phẩm; 100% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP có tài khoản giao dịch điện tử ngân hàng; 50% cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP theo dõi, ghi chép nhật ký sản xuất, bán hàng bằng sổ điện tử trên máy vi tính.

Đáng lưu ý, nhằm hỗ trợ sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, Cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trang thông tin điện tử của Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh thường xuyên đăng tải thông tin, hình ảnh quảng bá, giới thiệu các cơ sở sản xuất, sản phẩm nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh.

Cùng đó, tổ chức hội chợ, triển lãm để thông qua các kênh truyền thông quảng bá rộng rãi trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử; tổ chức lớp tập huấn chuyên ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng nội dung chuyển đổi số, truy suất nguồn gốc nông sản và hướng dẫn người dân khai thác, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và bán hàng trên không gian mạng; tập huấn tạo dựng video quảng bá sản phẩm nông sản, góp phần kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng tỉnh Bắc Ninh đã làm tốt việc đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về hỗ trợ, vận chuyển, kết nối và tiêu thụ các sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kết nối giao thương và xúc tiến ứng dụng thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới.

 

Tuy nhiên, thời gian tới địa phương cần có các giải pháp tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp tham gia khai thác ứng dụng thương mại điện tử; việc phát triển hạ tầng, hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử trên các nền tảng di động; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…Đồng thời tạo cơ hội tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho cơ sở sản xuất và người dân trên địa bàn.

Để tăng cường hiệu quả hoạt động thương mại điện tử của địa phương, tỉnh Bắc Ninh cho biết sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đào tạo kỹ năng cho người dân và doanh nghiệp tham gia khai thác các ứng dụng thương mại điện tử; đề xuất phát triển cơ sở hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử và tích hợp thanh toán điện tử, chú trọng tiện ích thông minh trên các nền tảng di động…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục