Bài học từ làn sóng sụp đổ ngân hàng của Mỹ

05:30' - 24/03/2023
BNEWS Chỉ trong vòng một tuần ngắn ngủi trong tháng này, ba ngân hàng của Mỹ đột ngột lần lượt sụp đổ đã khiến cho nhà đầu tư “giật mình”.

Theo báo Liên hợp buổi sáng, cuộc khủng hoảng tài chính gần nhất bùng phát từ Mỹ vào năm 2008, thoáng chốc đã 15 năm. Thời gian trôi qua, mọi người cũng dần lãng quên đối với cuộc khủng hoảng lúc đó. Những ngày tháng yên ổn rất dễ khiến cho mọi người coi mọi thứ đang có là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tuần ngắn ngủi trong tháng này, ba ngân hàng của Mỹ đột ngột lần lượt sụp đổ đã khiến cho nhà đầu tư “giật mình”. Mọi người đặt câu hỏi: Liệu tiền của chúng ta có an toàn hay không?

 

Khi ba ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và Silvergate Bank phá sản, các nhà đầu tư thực sự lo sợ. Chỉ trong 15 ngày đầu của tháng Ba, giá trị thị trường của ngành ngân hàng Mỹ đã "bốc hơi" 17% - tương đương 229 tỷ USD. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng lao dốc. Cổ phiếu ngân hàng của châu Âu, Nhật Bản và châu Á cũng không may mắn hơn. 

Năm 2022, mặc dù tất cả các ngân hàng lớn của Mỹ đều đã vượt qua bài kiểm tra sức chống chịu khủng hoảng thường niên và trích lập vốn dự phòng của các cơ quan quản lý giám sát, nhưng ngày 13/3/2023, tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s vẫn quyết định hạ mức đánh giá của toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ từ “ổn định” trước đó xuống “tiêu cực” do “những mối lo ngại mới đang xuất hiện”.  

Không lâu sau đó, ngân hàng First Republic Bank cũng bùng phát “khủng hoảng rút tiền”. Ngày 15/3, dưới chỉ đạo của Chính phủ Mỹ, 11 ngân hàng lớn của Mỹ đã phối hợp bơm 30 tỷ USD để giúp First Republic Bank vượt qua khó khăn. 

Cuộc khủng hoảng ngân hàng lần này cũng lan rộng ra ngoài phạm vi nước Mỹ. Credit Suisse vốn đã tồn tại nhiều vấn đề, sau khi giá cổ phiếu giảm mạnh 24% trong ngày 15/3, cuối cùng ngày 16/3 cũng liên hệ với Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ xin hỗ trợ 54 tỷ USD để bảo đảm tính thanh khoản của ngân hàng. Theo thông tin mới nhất, Credit Suisse thậm chí đối diện với số phận bị mua lại.   

Sau 15 năm bùng phát khủng hoảng tài chính, có phải ngành ngân hàng hiện nay vẫn mong manh dễ bị tổn thương?

Cuộc khủng hoảng tài chính 15 năm trước là kết quả của sự cho vay liều lĩnh và bong bóng bất động sản nổ tung. Sau cuộc khủng hoảng đó, để bảo đảm tài sản ngân hàng nắm giữ là đáng tin cậy, các cơ   quan quản lý và giám sát Mỹ khuyến khích ngân hàng mua trái phiếu chính phủ. Suy cho cùng, uy tín của Chính phủ Mỹ có thể nói là “vững như núi Thái Sơn”, ngay cả khi khủng hoảng xuất hiện, trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn có giá trị nhất định.

Trong những năm qua, lãi suất thị trường rất thấp. Dòng tiền nóng trên thị trường cũng đẩy giá của nhiều tài sản lên cao. Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh bùng phát, chính phủ các nước phần lớn đầu tư rất nhiều tiền để giảm nhẹ khủng hoảng xảy ra bất ngờ. “Tiền nóng” tràn ngập thị trường, tiền gửi cũng ào ạt đổ vào ngân hàng. Điển hình là SVB, năm 2020 và 2021, lượng tiền gửi tăng mới của ngân hàng này đạt gần 130 tỷ USD, nhiều đến mức cơ bản không thể cho vay hết.

Khi đó, lãi suất thị trường gần bằng 0, biện pháp đơn giản nhất mà rất nhiều ngân hàng lựa chọn là mua một lượng lớn trái phiếu và trái phiếu kho bạc. Do những khoản tiền gửi này dường như không có chi phí, nên ngay cả khi trái phiếu kỳ hạn dài của Chính phủ Mỹ chỉ thanh toán một khoản lãi suất nhỏ thì vẫn có thể sinh lời.

 * Cần chú ý “thiệt hại chưa thực hiện”

Tuy nhiên, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm qua, trái phiếu phát hành mới bắt đầu thanh toán lợi tức cao hơn cho nhà đầu tư. Điều này khiến cho sức hấp dẫn và giá trị thị trường của trái phiếu cũ có mức lợi suất khá thấp liên tục sụt giảm. Mặc dù nhiều ngân hàng sẵn sàng nắm giữ trái phiếu cho đến khi đáo hạn, nhưng vẫn gánh chịu thiệt hại sổ sách lớn hơn. Vòng tuần hoàn tiêu cực này giống như quả cầu tuyết, khiến cho thiệt hại chưa thực hiện của nhiều ngân hàng ngày càng lớn. 

Không chỉ như vậy, ngân hàng thường sử dụng tiền gửi để mua trái phiếu. Nếu ngân hàng muốn nắm giữ trái phiếu cho đến khi đáo hạn, thì toàn bộ tiền gửi của ngân hàng phải khớp với số lượng trái phiếu. Tuy nhiên, cùng với lãi suất tăng lên, để tiếp tục cạnh tranh tiền gửi, ngân hàng buộc phải nâng cao lãi suất huy động. Nói cách khác, chi phí vốn của ngân hàng cũng tăng lên theo. Trái phiếu kho bạc vốn có lãi, nhưng lợi nhuận không còn bao nhiêu sau khi bị vắt kiệt. Tình trạng này càng rõ ràng hơn đối với các ngân hàng nhỏ và vừa.  

Liệu thiệt hại chưa thực hiện trên sổ sách không quan trọng? Mặc dù rất nhiều ngân hàng đều không buộc phải phản ánh giá trị thị trường của các loại tài sản trên bảng cân đối kế toán, nhưng chỉ cần họ bán trái phiếu thì những thiệt hại sổ sách này sẽ trở thành thiệt hại thực tế. Tình trạng của SVB chính là như vậy.

Ngoài ra, khi khách gửi tiền của ngân hàng dần dần rời đi vì các lý do khác nhau, ngân hàng buộc phải bù đắp lượng tiền gửi rút ra thông qua việc bán tài sản. Giống như SVB, do ảnh hưởng của thời điểm hàng loạt công ty phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) và “mùa Đông” của huy động vốn tư nhân, nên ngân hàng này đối diện với tình trạng nhiều khách hàng của các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon lần lượt rút tiền gửi trước đó. Trong một năm qua, tiền gửi ròng của SVB thay đổi từ dương sang âm. Bán tài sản để bù đắp lượng tiền gửi bị rút ra, thiệt hại của ngân hàng không chỉ nằm trên sổ sách.     

SVB không phải là ví dụ duy nhất. Theo số liệu của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), tính đến cuối năm 2022, thiệt hại chưa thực hiện của các ngân hàng Mỹ, nghĩa là những tài sản có giá trị thị trường đã giảm nhưng chưa bán, đã lên đến 620 tỷ USD. Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg nhấn mạnh, môi trường lãi suất hiện nay đã gây ảnh hưởng lớn đối với khả năng sinh lời của chính sách huy động vốn và đầu tư, cũng như tình hình rủi ro của ngân hàng. Những thiệt hại chưa thực hiện trên sổ sách này đã làm suy yếu khả năng đáp ứng tính thanh khoản cần thiết đột ngột của ngân hàng.

Nói cách khác, những ngân hàng này sẽ phát hiện rằng khi cần tiền mặt đột ngột, thì lượng tiền mặt có trong tay ít hơn tưởng tượng do giá trị thị trường của trái phiếu họ nắm giữ thấp hơn giá trị sổ sách. Giống như SVB, ngay khi bán 21 tỷ USD các danh mục trái phiếu đang nắm giữ thì họ bị thiệt hại 1,8 tỷ USD. 

Để tránh tình hình hỗn loạn lan rộng, ngày 12/3 Fed lập tức tuyên bố thiết lập một chương trình cho vay mới do Bộ Tài chính cung cấp vốn, cho phép ngân hàng và các tổ chức cho vay khác cầm cố trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu thế chấp bằng chứng khoán theo mệnh giá, thời hạn vay là một năm. Đối với những trái phiếu có kỳ hạn dài, mệnh giá này có thể cao hơn 50% so với giá trị thị trường. Sự “hào phóng” của Fed đã tạm thời xoa dịu vấn đề “tổn thất chưa thực hiện” đối với trái phiếu của ngân hàng. Điều này cũng đồng nghĩa khách hàng gửi tiền của ngân hàng tạm thời chưa cần rút tiền.

Tuy nhiên, các khoản cho vay này chỉ có thời hạn một năm. Các cơ quan quản lý giám sát cần tận dụng tối đa thời gian sắp tới để giúp hệ thống ngân hàng trở nên an toàn hơn. Hiện nay, các cơ quan quản lý nên thừa nhận rằng, chính sách tăng lãi suất quả thực mang lại những rủi ro nhất định cho ngành ngân hàng. Trong thời gian khủng hoảng, rủi ro sụp đổ của một ngân hàng có thiệt hại chưa thực hiện lớn hơn so với ngân hàng không có thiệt hại. Sự khác biệt này chắc chắn được phản ánh trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

 * Cần bảo đảm an toàn cho tiền gửi của khách hàng

Khi đánh giá các tiêu chuẩn an toàn của ngân hàng, các cơ quan quản lý cần cân nhắc điểm này, đồng thời sử dụng tiêu chuẩn này để quyết định liệu một ngân hàng có đủ vốn hay không, hoặc yêu cầu ngân hàng tăng vốn, chuẩn bị bộ đệm thích hợp. Không có ngân hàng nào thích tăng bộ đệm vốn, hoặc đối diện với những quy định và hạn chế nhiều hơn. Tuy nhiên, bảo đảm an toàn cho tiền gửi của khách hàng suy cho cùng là điều kiện cơ bản nhất của toàn bộ hệ thống ngành ngân hàng. 

Ngân hàng phá sản, cho dù là nhỏ thì cũng không thể xem nhẹ. Do ngân hàng liên quan đến nghiệp vụ kinh doanh tiền tệ, nên hệ thống này rất phức tạp và liên quan đan xen lẫn nhau. Sự cố sụp đổ của SVB và các ngân hàng khác lần này quả thực đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Cách giới chức Mỹ và châu Âu giải quyết làn sóng ngân hàng phá sản trực tiếp liên quan đến niềm tin của mọi người đối với hệ thống ngân hàng.

Các nước khác chưa xuất hiện ngân hàng sụp đổ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là các trung tâm tài chính khu vực cũng nên tự kiểm tra tình trạng vốn của các ngân hàng trong nước để đảm bảo không có vấn đề gì. Đây là các tiếp cận có trách nhiệm, đồng thời cũng là một khâu không thể thiếu để đảm bảo an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục