Bàn giải pháp để không tác động đến giá điện thời gian tới

19:06' - 18/12/2019
BNEWS Sang năm 2020 Bộ Công Thương sẽ đáp ứng được cơ bản điện cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Chỉ từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ có những khó khăn, thậm chí có những năm thiếu tới 7-8 tỷ kWh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kế hoạch cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương tổ chức chiều 18/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, năm 2018 để sản xuất ra 1 kWh điện EVN chi phí 1.727,41 đồng, giá bán ra hiện nay là 1.731 đồng, như vậy, EVN lãi 4 đồng/kWh điện. 

Trong khi đó, nếu sản xuất điện hoàn toàn bằng dầu thì sẽ tốn đến 31.000 đồng để sản xuất ra 1 kWh điện. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN đang rất cố gắng áp dụng nhiều biện pháp để không tác động đến giá điện trong thời gian tới và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, chi phí phát điện chiếm 70-75% giá thành sản xuất điện, năm 2018 là 1.727 đồng/kWh điện trong khi chi phí phát điện chiếm tới hơn 1.300 đồng/kWh.

Năm 2018 EVN lãi 698 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%. Do đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế như vậy là rất thấp và về lâu dài, đương nhiên sẽ gặp khó khăn.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, sang năm 2020 Bộ Công Thương sẽ đáp ứng được cơ bản điện cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Chỉ từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ có những khó khăn, thậm chí có những năm thiếu tới 7-8 tỷ kWh.

Theo đó, một loạt giải pháp để giải quyết thiếu điện được Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đưa ra như tích cực áp dụng các biện pháp để làm sao các dự án nhiệt điện đẩy nhanh tiến độ; sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, nhập khẩu từ các nước trong khu vực; đưa vào vận hành dự án điện mới; phát triển năng lượng tái tạo…

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng chia sẻ thêm, đã từng có thời điểm thiếu điện vào khoảng năm 2009, năm 2010 và phải cắt điện luân phiên. Tuy nhiên, đó là thời kỳ kinh tế xã hội chưa phát triển mạnh, nhiều vùng vẫn còn chưa có điện. Dù vậy, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương và cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều rất lo lắng thời gian tới phải đảm bảo cung cấp đủ điện tới người dân.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Riêng về kế hoạch cung cấp điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực  cho biết, năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung ứng điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình chậm tiến độ vào vận hành.

Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh. Tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vào vận hành năm 2020 là khoảng 4.300 MW, với gần 2.000 MW điện gió và điện mặt trời mới vào vận hành, cung cấp khoảng 10,868 tỷ kWh, tương ứng với 4,16% tổng nhu cầu điện. Đặc biệt, để đảm bảo cung cấp điện sẽ phải huy động 3,397 tỷ kWh từ nguồn chạy dầu với giá thành cao.

Riêng mùa khô năm 2020 phải dự kiến huy động 3,153 tỉ kWh từ nguồn chạy dầu và có thể huy động tăng thêm nếu xảy ra tình huống cực đoan khi lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến.

Về cơ cấu giá thành sản xuất kinh doanh điện của từng khâu, tổng chi phí khâu phát điện là 255.679,98 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đồng/kWh.

Theo lý giải của ông Nguyễn Anh Tuấn, so với năm 2017, chi phí khâu phát điện năm 2018 tăng do một số yếu tố. Nguyên nhân đầu tiên là do thiếu nước về các hồ chứa thuỷ điện. Cụ thể, năm 2018, tổng lượng nước về hồ chứa thủy điện đạt khoảng 365 tỷ m3, thấp hơn khoảng 12 tỷ m3 so với năm 2017, do đó sản lượng điện từ thủy điện năm 2018 thấp hơn năm 2017.

“Năm 2018, mặc dù giá than nội địa ổn định, nhưng giá than nhập khẩu tăng mạnh. Cụ thể, giá than Coalfax và giá than NewCastle Index bình quân năm 2018 tăng so với năm 2017 lần lượt là 20,42% và 21,34%. Giá than nhập khẩu tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu như Formosa Đồng Nai, Formosa Hà Tĩnh và Duyên Hải 3”, ông Tuấn cho hay.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh thêm, giá dầu và khí cũng tăng đẩy giá thành điện tăng theo. Theo đó, giá dầu HSFO thế giới năm 2018 tăng cao so với năm 2017 khoảng 31,9%. Việc giá dầu HSFO thế giới (dùng để tham chiếu tính giá khí thị trường) tăng so với năm 2017 làm tăng chi phí mua điện của nhà máy nhiệt điện Cà Mau và các nhà máy nhiệt điện có giá khí theo thị trường.

Thêm vào đó, tổng chi phí khâu truyền tải điện bao gồm khoản phân bổ số dư chênh lệch tỉ giá chưa được tính vào giá thành điện tại 31/12/2015 của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia với giá trị phân bổ năm 2018 là 1.828,22 tỷ đồng.

Còn tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 55.590,90 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 288,99 đồng/kWh./.

>> Điều hành giá điện phải đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục