Bạn hiểu gì về chứng khoán phái sinh?

10:25' - 10/08/2017
BNEWS Cùng tìm hiểu chứng khoán phái sinh là gì và lợi ích mà nó mang lại.

1. Chứng khoán phái sinh là gì?

Chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở.

Chứng khoán phái sinh quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và/hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.

Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại, v,v.. hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất...

2. Loại chứng khoán phái sinh nào sẽ được triển khai trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam? 

Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính.

Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:

– Hợp đồng kỳ hạn: là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia để mua và bán một loại tài sản ở một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước ngay ở thời điểm hiện tại.

– Hợp đồng tương lai: là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

– Hợp đồng quyền chọn: Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán.

– Hợp đồng hoán đổi: Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể. 

Trong đó, hợp đồng tương lai sẽ là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam, cụ thể là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ (kỳ hạn 5 năm).

Các sản phẩm này được lựa chọn trước tiên do tính chất sản phẩm đơn giản, tài sản cơ sở đều là các công cụ có độ rủi ro thấp và có tính đại diện cao. Nguyên tắc giao dịch Hợp đồng tương lai cũng không quá khác biệt so với giao dịch cổ phiếu trên thị trường cơ sở.

3. Chứng khoán phái sinh có điểm gì hấp dẫn đối với nhà đầu tư?

Thứ nhất, chứng khoán phái sinh tiếp cận tới mọi đối tượng mong muốn giao dịch: những nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro; nhà đầu cơ và nhà kinh doanh chênh lệch giá.

Những nhà đầu tư cần có một lượng tài sản cơ sở nhất định (chứng khoán; hàng hóa…) trong tương lai và dự đoán thị trường lên sẽ tham gia mua hợp đồng tương lai với giá tài sản cơ sở được xác định tại thời điểm hiện tại để dự phòng rủi ro tăng giá tài sản cơ sở. Và ngược lại những nhà đầu tư đang hoặc sẽ có một lượng tài sản nhất định có thể chuyển toàn bộ rủi ro về biến động giá bằng bán trước số hàng hóa đó trên thị trường giao dịch tương lai.

Những nhà đầu cơ là những người không có nhu cầu thực tế mua/bán loại tài sản cơ sở lại tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh nhằm mục đích kiếm lời từ chênh lệch giá mua/bán trên thị trường. Những nhà kinh doanh chênh lệch giá (Acbitragers) có thể đồng thời kinh doanh trên cả thị trường phái sinh và thị trường tài sản cơ sở để kiếm lợi từ chênh lệch giữa hai thị trường.

Hơn nữa, chứng khoán phái sinh có thể hình thành trên mọi loại tài sản mà có đặc tính từ hàng hóa, cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu, tiền tệ, … tới các tài sản phi tài chính như thời tiết, khí Carbon… Chúng ta đang chuyển từ thế giới giao dịch hàng hóa hiện vật sang thế giới giao dịch hàng hóa vô hình. Và chứng khoán phái sinh tiếp cận tới mọi nhu cầu.

Thứ hai, tổng số lượng chứng khoán phái sinh không bị hạn chế. Nếu như trên thị trường cổ phiếu, số lượng giao dịch cổ phiếu phụ thuộc vào số cổ phiếu được phát hành (cụ thể hơn nữa là số cổ phiếu đang lưu hành) thì trên thị trường phái sinh, số lượng chứng khoán phái sinh là không bị giới hạn mà phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của nhà đầu tư.

Thứ ba, nhà đầu tư có thể bán các chứng khoán phái sinh khi không sở hữu tài sản cơ sở hay thị trường chứng khoán phái sinh cho phép bán khống.

Thứ tư, chứng khoán phái sinh đem lại đòn bẩy tài chính thông qua quy định về ký quỹ. Nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra một số tiền ký quỹ bằng một phần giá trị của hợp đồng mà nhà đầu tư muốn giao dịch trong khi trên thị trường chứng khoán, nếu muốn mua chứng khoán nhà đầu tư phải đảm bảo có 100% tiền và muốn bán phải có đủ 100% chứng khoán trong tài khoản. Đây chính là lợi thế đòn bẩy của chứng khoán phái sinh.

Thứ năm, các chứng khoán phái sinh chuẩn hóa có tính thanh khoản cao do được niêm yết và giao dịch tập trung trên Sở giao dịch chứng khoán. Vì người mua và người bán là tập trung nên tạo ra khả năng thanh khoản cao nhất có thể. Hơn nữa, việc định giá, khối lượng và giá trị giao dịch được công bố công khai cũng giúp thị trường minh bạch và tăng thanh khoản.

Thứ sáu, các giao dịch chứng khoán phái sinh được Trung tâm bù trừ (CCP- Central Counterparty) bảo đảm thực hiện. Trong trường hợp một trong hai bên của giao dịch (người mua hoặc người bán) mất khả năng thanh toán, Trung tâm bù trừ (CCP)- Bộ phận thanh toán không thể thiếu cho thị trường chứng khoán phái sinh sẽ đứng ra bảo đảm thanh toán cho bên còn lại. Đây là một ưu điểm vượt trội của các chứng khoán phái sinh được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

(Nguồn: Vndirect, cafef)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục