Bản Nà Khương - Điểm du lịch độc đáo mới ở Lai Châu

15:16' - 07/05/2017
BNEWS Bản Nà Khương có hơn 60 hộ dân, tất cả đều là đồng bào dân tộc Thái. Ngày đông nhất, bản Nà Khương đón đến 800 du khách.
Những cọn nước giống như hàng bánh xe khổng lồ, kẽo kẹt, quay đều không biết mệt mỏi. Ảnh: Nguyễn Công Hải - TTXVN

Bản Nà Khương, xã vùng cao Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có phong cảnh tuyệt đẹp. Những ngày này, phía trước bản có cánh đồng lúa xanh mướt đang thì con gái, được dòng suối Nậm Mu uốn lượn bao quanh.

Đặc biệt, phía bên tay phải của cánh đồng lúa là một hàng thẳng những cọn nước (còn gọi là guồng nước, một dụng cụ để lấy nước từ suối lên) với hơn hai chục chiếc hoạt động suốt ngày đêm, không cần đến sức người, không cần đến động cơ.

Nhìn gần, hàng cọn nước như một hàng bánh xe khổng lồ, quay đều... Những cái cọn nước này đã trở thành điểm nhấn, thu hút du khách đến với Nà Khương trong nhiều tháng qua, nhất là vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ lễ.

Anh Lò Văn Các, một người dân ở bản Nà Khương cho biết, lúc đầu những người dân trong bản rất ngạc nhiên vì có rất nhiều du khách đến thăm quan, chụp ảnh, quay phim cùng cọn nước, ngắm dòng suối Nậm Mu ở ngay cạnh cọn nước…

Thấy du khách có nhu cầu ăn uống, thuê quần áo của đồng bào dân tộc để chụp ảnh, gia đình anh Các và nhiều hộ dân trong bản đã dựng lán ngay dưới lòng suối bên cạn, gần cọn nước, đầu tư mua trang phục dân tộc Thái và mang các món ăn của bản ra phục vụ du khách.

Bản Nà Khương có hơn 60 hộ dân, tất cả đều là đồng bào dân tộc Thái. Từ trước đến nay, cứ vào tháng 9 âm lịch hằng năm, để có thêm nước tưới cho cánh đồng lúa chiêm xuân rộng hơn chục héc ta phía trước bản, dân bản lại cùng nhau dựng cọn nước dọc theo dòng suối Nậm Mu, lấy nước từ suối lên tưới cho lúa.

Từ vụ lúa chiêm xuân năm 2016 – 2017, đồng bào trong bản đã dựng đến gần 30 cọn nước, bám theo dòng Nậm Mu, trong đó có 25 cọn nước được làm tập trung. Từ ngày mùng 5 Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017 đến nay, du khách về thăm bản, ngắm những cọn nước ngày càng nhiều.

Ông Lò Văn Các cho biết, cọn nước còn gọi là guồng nước. Vật liệu làm cọn nước hoàn toàn bằng tre và gỗ. Cọn nước có chiều cao trung bình khoảng 6m, tùy thuộc vào độ cao giữa ruộng và lòng suối… Hằng năm, các cọn nước cũng chỉ được người dân sử dụng được đến mùa nước lũ. Khi có lũ về, các cọn nước thường bị lũ cuốn trôi. Đến tháng 9 âm lịch hằng năm, người dân trong bản lại dựng lại những cọn nước…

Ông Đèo Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết, thống kê qua việc thu vé, từ tháng 1 đến cuối tháng 4/2017 đã có 12.000 lượt du khách đến thăm quan, vui chơi ở bản Nà Khương, trong đó có nhiều đoàn khách ngoài tỉnh, có cả khách nước ngoài và một số bạn trẻ đến chụp ảnh cưới…

Ngày đông nhất, bản Nà Khương đón đến 800 du khách. Hàng chục hộ dân ở bản làm dịch vụ đã có thu nhập trung bình mỗi ngày từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng/ngày.

Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết thêm, Nà Khương hiện nay đang là điểm du lịch tự phát. Vừa qua, xã đã trình UBND huyện để quy hoạch, công nhận điểm du lịch Nà Khương. Huyện, tỉnh đã có thông báo chủ trương quy hoạch điểm du lịch này.

Bản Nà Khương sẽ được đầu tư, hỗ trợ sắp sếp lại dân cư. Vào quý III năm 2017, điểm du lịch Nà Khương sẽ được đầu tư một bãi đỗ xe để phục vụ du khách đến thăm quan...

Sở Văn hóa – Du lịch và Thể thao Lai Châu đang trình UBND tỉnh công nhận Nà Khương là điểm du lịch; quy hoạch đến năm 2020, Nà Khương là điểm du lịch sinh thái trọng điểm của huyện Tam Đường nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục