Bàn thảo về cơ hội xuất khẩu ngành thực phẩm chế biến

16:33' - 28/02/2023
BNEWS Hội nghị tập trung bàn thảo về cơ hội xuất khẩu ngành thực phẩm chế biến vào thị trường khu vực châu Á và thị trường châu Đại Dương, châu Phi hướng tới mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững.

Chiều 28/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tiếp nối thành công của các kỳ hội nghị trước, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023 với chủ đề Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á – Thái Bình Dương và châu Phi theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.Qua đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Theo ông Vũ Bá Phú, hội nghị lần này sẽ tập trung bàn thảo về các cơ hội xuất khẩu ngành thực phẩm chế biến, với trọng tâm vào các thị trường khu vực châu Á và một số thị trường châu Đại Dương, châu Phi; thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu nhằm hướng tới mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam.

Chương trình Hội nghị kỳ tháng 2/2023 bao gồm 2 phiên chính: Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Australia, Algeria, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến.

 

Cùng đó, phiên 2 dành cho đại diện các hiệp hội (Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch), cơ quan địa phương (Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ) thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu thực phẩm chế biến với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD. Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

Ngoài ra, dù có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới nhưng các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, qua đường tiểu ngạch và đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á hay của chính khách hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc.

Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển.

Ông Vũ Bá Phú đề nghị, hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trong hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.

Sở Công Thương các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu tận dụng các Hội nghị giao ban làm kênh trao đổi nhanh chóng, cụ thể nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất nhập khẩu các mặt hàng tiềm năng và thế mạnh ra thị trường thế giới. Từ đó, đưa ra những kiến nghị đối với Bộ Công Thương và đặc biệt các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, ngành hàng làm tốt thị trường, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển ngày càng vững mạnh của nền thương mại Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Hòa - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia chia sẻ, nền kinh tế Australia đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đà tăng trưởng bắt đầu chậm lại khi lạm phát gia tăng.

Thống kê cho thấy, tháng 1 năm 2023, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt hơn 909,16 triệu USD, giảm 19,65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất của Việt Nam sang Australia đạt hơn 410,62 triệu USD, giảm 5,55 triệu USD (tương đương 1,33%) so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, các mặt hàng duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ là dầu thô; điện thoại các loại và linh kiện. Các mặt hàng còn lại hầu hết có kim ngạch nhập khẩu giảm so với tháng 1 năm 2021. 

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Australia từ Việt Nam hơn 489,54 triệu USD, giảm 216,82 triệu USD (tương đương giảm 30,31%) so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng bao gồm bông các loại; thức ăn gia súc và nguyên liệu; dược phẩm; nguyên phụ liệu dệt, may, da giầy; sản phẩm khác từ dầu mỏ, sản phẩm từ sắt thép…

Ông Nguyễn Phú Hòa đề xuất bố trí kinh phí xúc tiến thương mại để đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của địa phương, thành viên hiệp hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại thị trường Australia; phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Australia trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến tại thị trường này.

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp đang có đơn hàng chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Australia cần đảm bảo việc hàng hóa đã đáp ứng các điều kiện nhập khẩu an toàn sinh học và chuẩn bị đầy đủ tài liệu nhập khẩu tối thiểu theo quy định của Australia; đảm bảo các thùng chứa hàng hóa và thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ đúng yêu cầu, sạch sẽ để hạn chế các rủi ro sẽ ảnh hưởng tới tiến độ kiểm tra hàng hóa.

Ông Nguyễn Phú Hòa cũng lưu ý doanh nghiệp cập nhật thường xuyên những quy định của Australia; chủ động theo dõi, trao đổi với nhà nhập khẩu, đơn vị tư vấn luật, Thương vụ Australia để tránh vướng mắc phát sinh trong quá trình xuất khẩu hàng hóa.

Cùng đó, chủ động phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương để triển khai hiệu quả nhất các hoạt động xúc tiến tại thị trường Australia; xem xét, tham gia các hội chợ về thực phẩm tại Australia như FoodService (20/4-2/5/2023 tại Melbourne), Finefood (11-14/9/2023 tại Sydney). Đây là hoạt động hiệu quả để xúc tiến, quảng bá cho sản phẩm của doanh nghiệp và cơ hội lớn để tìm kiếm đối tác tiềm năng tại thị trường này.

Tại hội nghị, các thương vụ khu vực thị trường châu Á: 6 nhóm đề xuất; khu vực thị trường châu Âu: 12 nhóm đề xuất; khu vực thị trường châu Phi – Trung Đông: 5 nhóm đề xuất; khu vực thị trường châu Đại Dương: 1 nhóm đề xuất.

Đơn cử như với thị trường Malaysia, ông Lê Phú Cường, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho rằng các hiệp hội cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của địa phương, thành viên hiệp hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại thị trường Malaysia như tổ chức hội chợ chuyên ngành hoặc tổng hợp các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại Malaysia…

Cùng đó, bang Sabah (phía đông Malaysia) mong muốn mời các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế Sabah EXPO từ ngày 22 đến 24 tháng 9 năm 2023 tại Kota Kinabalu và có giảm phí cho doanh nghiệp đăng ký hội chợ thông qua Thương vụ Việt Nam tại Malaysia. Hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Malaysia trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến tại thị trường Malaysia, nhất là việc xác minh đối tác. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thực phẩm cần lưu tâm đến xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm có chứng chỉ Halal sang thị trường Malaysia do tỷ lệ người theo đạo Hồi ở Malaysia lớn và chỉ lựa chọn các sản phẩm được cấp chứng chỉ Halal. 

Hơn nữa, Malaysia đang tăng cường kiểm soát giá cả sinh hoạt do thiếu hụt nguồn cung một số loại thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho nhu cầu thiết yếu như trứng, gạo… nên quan tâm kết nối với hệ thống phấn phối để gia tăng xuất khẩu …; phối hợp với Thương vụ gửi hàng sang trưng bày tại phòng hàng mẫu tại Thương vụ.

Đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch tại Hà Nội đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại để có thể đưa doanh nghiệp hội viên đi dự các triển lãm, hội chợ quốc tế nhiều hơn , tìm kiếm nhà mua , tìm kiếm cơ hội….

Mặt khác, đề nghị Bộ Công Thương ưu tiên giới thiệu và tăng cường xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm minh bạch thông tin , có QR code đúng chuẩn ( có nhật ký sản xuất điện tử../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục