Ban Tổ chức Trung ương thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý

17:12' - 01/10/2017
BNEWS Trong hai ngày 30/9 và 1/10, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức thi tuyển các chức danh Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo kết luận số 202 - TB/TW về Đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng"; ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong hai ngày 30/9 và 1/10, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức thi tuyển các chức danh Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III.

Cuộc thi được tổ chức để lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương có thêm căn cứ lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, thực sự am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức, có uy tín, xứng đáng với vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm.

Qua đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển nêu rõ: thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là chủ trương lớn của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Sau khi có chủ trương này, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, hướng dẫn triển khai Đề án tại 14 bộ, ban, ngành và 22 địa phương, trong đó có Ban Tổ chức Trung ương.

Kể từ sau khi có chủ trương của Ban Bí thư và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan đầu tiên tổ chức thi tuyển với 3 chức danh: Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III.

Quá trình chuẩn bị thi tuyển đã được Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng thi tuyển chuẩn bị rất kỹ càng, chặt chẽ, xem xét nhiều mặt, cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo công tâm, khách quan, trung thực, đúng các quy định được ban hành.

Đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh trên cơ sở thi tuyển để tạo ra phương thức, cách làm mới trong quá trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

Ông Dương Minh Đức, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương), Thư ký Hội đồng thi tuyển cho biết thực hiện Quy chế thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý tại các vụ, đơn vị của Ban, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Kế hoạch thi tuyển các chức danh Vụ trưởng: Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng, Vụ Địa phương III.

Sau khi đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định, Tổ giúp việc Hội đồng đã tiếp nhận, thẩm định và báo cáo lãnh đạo Ban quyết định 12 đồng chí đủ điều kiện dự thi, trong đó: Hội đồng thi Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ có 5 đồng chí; Hội đồng thi Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng có 3 đồng chí; Hội đồng thi Vụ trưởng Vụ Địa phương III có 4 đồng chí.

Sau 30 ngày chuẩn bị, xây dựng đề án theo quy chế, các ứng viên đã nộp đề án về Tổ giúp việc đúng thời gian quy định.

Các đề án được niêm phong trước sự chứng kiến của người dự thi và Tổ giúp việc; đề án được bảo mật tuyệt đối.

Bước vào phần thi, 12 thí sinh dự thi đã trình bày đề án và chương trình hành động bằng công cụ trình chiếu power point với thời lượng bảo vệ đề án không quá 45 phút.

Sau khi người dự thi trình bày đề án, các thành viên Hội đồng thi tuyển đặt câu hỏi phản biện để người dự thi trả lời.

Sau khi bảo vệ đề án, các thành viên Hội đồng thi tuyển chấm điểm một lần bằng phiếu kín.

Điểm cuối cùng là điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng. Người trúng tuyển là người có điểm thi cao nhất trong số người dự thi và phải đạt từ 50 điểm trở lên trên thang điểm 100.

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá chất lượng Đề án của người dự thi, qua trình bày đề án và trả lời các câu hỏi phỏng vấn, Hội đồng thi tuyển đánh giá tất cả 12 đồng chí tham gia ứng thi lần này đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện vị trí chức danh thi tuyển, có hiểu biết, kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, đáp ứng cơ bản các yêu cầu của vị trí chức danh thi tuyển.

Hội đồng thi tuyển đã thảo luận, thống nhất và quyết định lựa chọn 3 thí sinh xuất sắc nhất trong 12 thí sinh xuất sắc dự thi.

Cụ thể, đồng chí Đỗ Phương Đông, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách cán bộ trúng tuyển vào vị trí chức danh Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ; đồng chí Phạm Mạnh Khởi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Cơ sở Đảng trúng tuyển vào vị trí chức danh Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng; đồng chí Nguyễn Xuân Liết, Phó Vụ trưởng vụ Tổ chức - Điều lệ trúng tuyển vào vị trí chức danh Vụ trưởng Vụ Địa phương III.

Ngay sau khi công bố kết quả, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trao Quyết định bổ nhiệm cho Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III.

Quyết định có hiệu lực từ 1/10/2017; thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.

Đánh giá về thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý tại các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng thi tuyển nhấn mạnh việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, góp phần phát hiện kịp thời và chọn đúng người có đức, có tài, không để lãng phí cán bộ, không để "chảy máu" chất xám và là đột phá quan trọng trong công tác cán bộ.

Đối tượng được đăng ký dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức nằm trong quy hoạch ở các chức danh cùng cấp hoặc tương đương, "nhưng không giới hạn trong phạm vi cơ quan, đơn vị đó mà mở ra bao gồm cán bộ, công chức, viên chức đã được quy hoạch ở các vị trí, chức vụ tương đương, đang làm việc trong cùng bộ, ban, ngành, địa phương nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định" đã góp phần làm tăng tính cạnh tranh trong công tác tuyển chọn cán bộ.

Công tác chuẩn bị nhân sự ứng tuyển, công tác tổ chức thi tuyển đảm bảo khách quan, công tâm, minh bạch, thực chất, bỏ được tính hình thức hay tình trạng "quân xanh, quân đỏ" diễn ra trong một số kỳ thi tuyển trước đây; tránh được tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm; khắc phục được hiện tượng để lọt cán bộ "chạy ghế, chạy chức", tình trạng thao túng, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác cán bộ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục