Bàn về chính sách đãi ngộ cho người có tài năng đặc biệt

19:48' - 05/09/2018
BNEWS Bên cạnh chế độ đãi ngộ, thu nhập, cần phải có chính sách hợp lý về môi trường làm việc, cách thức tuyển dụng để “tài năng đặc biệt” phát huy năng lực.

Đây là nội dung được trao đổi tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu giai đoạn 2018 – 2022, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 5/9.

Chiều 5/9/2018, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu, giai đoạn 2018 – 2022. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Theo đó, Đề án hướng tới mục tiêu xây dựng chính sách đột phá về thu hút và trọng dụng nhân tài, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung đội ngũ tài năng trẻ có trình độ cao, chuyên môn sâu, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo; tạo nguồn cán bộ nghiên cứu, chuyên viên tư vấn chiến lược, có năng lực tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Thành phố giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn… Các lĩnh vực thu hút tài năng là các nhóm về khoa học và công nghệ; hoạch định chính sách và xây dựng hạ tầng đô thị; dịch vụ công; văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao.
Theo Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đề xuất nhiều chính sách đãi ngộ cho người có tài năng đặc biệt nếu được tuyển dụng như áp dụng mức hỗ trợ ban đầu là 50 triệu đồng; hàng tháng sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí từ 20 - 30 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thành phố còn có chính sách tiền thưởng để khuyến khích, phát huy tài năng như hưởng mức tiền thưởng bằng 1% tổng kinh phí ngân sách chi trả cho sản phẩm, công trình (đề án, đề tài nghiên cứu hoặc tác phẩm công trình văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao từ cấp thành phố và tương đương trở lên) được công nhận; hỗ trợ về nhà ở công vụ hoặc hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở…
Đánh giá Đề án gắn liền với thực tiễn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Đề án đã có những quy định mới theo hướng phù hợp hơn và có tính khoa học, tính hợp lý.

Cụ thể, Đề án đưa ra các chính sách cụ thể như hỗ trợ lần đầu, hỗ trợ chỗ ở, chi trả mức lương tương đối cao so với mặt bằng chung của xã hội, thưởng cho nhân tài có những đóng góp trong việc xây dựng các công trình có giá trị, đặt mục tiêu xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, công bằng, dân chủ…
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc thu hút nhân tài rất quan trọng nhưng việc giữ chân được nhân tài quan trọng hơn rất nhiều. Thực tế cho thấy, tiền lương, thu nhập của nhân tài không phải là yếu tố quan trọng nhất để giữ chân nhân tài.

Đề án cần phải có những biện pháp mang tính đột phá hơn nữa để có thể đảm bảo môi trường hấp dẫn nhân tài.

Ngoài ra, quy trình tìm kiếm, tuyển chọn nhân tài cần có sự khác biệt với quy trình tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Cùng quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Biên (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) cho rằng: Huy động sự đóng góp của những tài năng đặc biệt là cần thiết, cần chú ý khuyến khích.

Tuy nhiên, phải làm sao có chính sách đúng để phát huy sự sáng tạo, cống hiến của hàng triệu người đã được đào tạo, mới tạo ra động lực mạnh mẽ, đưa xã hội và đất nước nhanh chóng phát triển. Chúng ta sẽ tìm thấy nhiều tài năng đặc biệt trong số hành triệu người hăng say cống hiến.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phản biện đối với một số nội dung về mục tiêu, nguyên tắc và những tiêu chuẩn cụ thể để áp dụng; các cơ chế, tiêu chí xác định, phát hiện, thu hút tuyển chọn và chính sách đối với người có tài năng đặc biệt; cơ chế đánh giá và phát triển…

Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh cần đấu tranh kiên quyết, có hiệu quả bệnh kéo bè, cánh; bệnh dùng người thân quen; bệnh hẹp hòi trong thu hút và trọng dụng nhân tài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục