Băng tan có thể dẫn tới nhiều hình thái thời tiết cực đoan

17:27' - 07/02/2019
BNEWS Hàng tỷ tấn nước tan ra từ các khối băng khổng lồ ở Greenland và Nam Cực đang đổ về đại dương có thể dẫn tới nhiều hình thái thời tiết cực đoan, gây xáo trộn khí hậu Trái Đất trong nhiều thập kỷ tới.

Lời cảnh báo trên được nêu ra trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí "Thiên nhiên" (Nature) số ra ngày 6/2.

Các nhà khoa học đến từ nhiều nước đã thực hiện nghiên cứu này dựa trên sự mô phỏng chi tiết kết hợp hình ảnh vệ tinh về sự thay đổi của các tảng băng từ năm 2010 tác động tới dòng hải lưu có tên gọi Dòng Đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC), giữ vai trò quan trọng trong hệ thống khí hậu Trái Đất và hỗ trợ duy trì thời tiết ấm tương đối tại Bắc Bán cầu.

Theo các nhà khoa học, những khối băng tan khổng lồ, đặc biệt tảng băng ở chóp dải băng tại Greenland, đang đe dọa làm suy yếu dòng chảy AMOC, vốn có vai trò đưa dòng nước lạnh về sâu phía Nam dọc đáy Đại Tây Dương, vừa đẩy dòng nước ấm về hướng Bắc sát gần bề mặt biển.

Theo nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Nam Cực của Đại học Victoria (New Zealand), không chỉ gây cản trở dòng chảy đại dương, nước băng tan còn làm thay đổi nhiệt độ trên thế giới.

Ngoài ra, việc khối lượng lớn tảng băng bị mất đi tại Nam Cực còn kìm hãm nước biển ấm ở dưới bề mặt biển, làm xói mòn sông băng và điều này khiến mực nước biển dâng.

Đồng tác giả công trình nghiên cứu Natalya Gomez, làm việc tại Phòng Khoa học về Trái Đất và hành tinh tại Đại học McGill (Canada), cho hay sự thay đổi trên quy mô rộng lớn dựa trên sự mô phỏng dễ khiến khí hậu hỗn loạn hơn với nhiều kiểu thời tiết cực đoan và nhiều đợt nóng xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn.

Theo kết luận của nhóm nghiên cứu, đến giữa thế kỷ 21, nước băng tan từ dải băng Greenland sẽ chặn đứng dòng AMOC, vốn đã có dấu hiệu lưu thông chậm hơn.

Việc dòng chảy yếu đi tại Đại Tây Dương sẽ gây ra tác động rõ nét về khí hậu như nhiệt độ không khí ấm hơn tại Bắc Cực, Đông Canada và khu vực Trung Mỹ, trong khi nhiệt độ mát hơn tại phía Tây Bắc châu Âu và vùng ven biển phía Đông của Bắc Mỹ.

Và nếu tất cả các tảng băng tại Greenland và Nam Cực, vốn có độ dày lên tới 3km và chứa tới 75% lượng nước sạch của hành tinh, đều tan chảy, mực nước tại hai khu vực này lần lượt dâng lên 7m và 58m.

Ngoài ra, còn những khu vực dễ bị tổn thương do tình trạng ấm lên toàn cầu như là Tây Nam Cực hay các sông băng lớn ở Đông Nam Cực.

Trong một nghiên cứu khác cũng được công bố trên tạp chí Nature số ra cùng ngày, nhóm nghiên cứu trên còn đưa ra dự báo mới về lượng nước băng tan từ Nam Cực khiến mực nước biển dâng lên đến năm 2100./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục