Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Bài 2 – Những điểm chưa khả thi

13:37' - 26/06/2022
BNEWS Việc thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN còn có bất cập như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hay việc tính toán, giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN dựa theo tần suất TNLĐ của từng doanh nghiệp, đơn vị...

 

Ông Nguyễn Khánh Long, Cục An toàn Vệ sinh lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chỉ ra, việc thực hiện các chính sách Chế độ Bảo hiểm TNLĐ, BNN còn có hạn chế, bất cập như hỗ trợ chuyển đổ nghề nghiệp đối với người bị TNLĐ, BNN hay việc tính toán, giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN dựa theo tần suất TNLĐ của từng doanh nghiệp, đơn vị trong ngành nghề rủi ro là khó khả thi. Hay những người bị TNLĐ, BNN tổn thương dưới 5% không được thực hiện chế độ bảo hiểm cũng bộc lộ bất hợp lý…

Luật ATVSLĐ đã bổ sung nội dung chi về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với người bị TNLĐ, BNN tại Điều 55 và hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN tại Điều 56, được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 88/2020/NĐ-CP. 

Tuy nhiên, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ này còn hạn chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp chưa thực hiện được từ khi ban hành, đặc biệt, chính sách hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN triển khai còn chậm. Một số nội dung trong quy định tại Điều 56 của Luật ATVSLĐ mang tính chất khắc phục hậu quả hơn phòng ngừa như phục hồi chức năng, khám chữa BNN, thủ tục xác định để thực hiện chế độ với người bị TNLĐ, BNN như điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN. 

Thiếu một số hoạt động phòng ngừa cần thiết từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN như các hoạt động xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, hoạt động thông tin,  tuyên truyền,  tư vấn, cải thiện điều kiện lao động, việc triển khai công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc.

Điều 44 Luật ATVSLĐ quy định mức đóng tối đa là 1%. Nghị định 58/2020/NĐ-CP quy định các ngành nghề có nguy cơ rủi ro cao được giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ chưa phù hợp với nguyên tắc hưởng theo mức đóng,  nguyên lý bảo hiểm chung là nguy cơ, rủi ro càng cao, đóng bảo hiểm mức càng cao. 

Việc tính toán, giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN dựa theo tần suất TNLĐ của từng doanh nghiệp, đơn vị trong ngành nghề rủi ro là khó khả thi trong tình hình hiện nay, khó thực hiện với cả đơn vị nhỏ, ít lao động; tốn chi phí đánh giá, dễ phát sinh cơ chế xin cho. Việc chuyển đổi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp là đa dạng, linh hoạt nên việc áp dụng mức đóng theo ngành nghề không phù hợp, khó kiểm soát. 

Việc giảm mức đóng theo Nghị định số 58/2020/NĐ-CP nhưng tính theo tần suất giảm TNLĐ là chưa phù hợp do: có doanh nghiệp nhiều tai nạn thì tần suất giảm có thể lớn hơn doanh nghiệp ít TNLĐ, nhưng doanh nghiệp ít tai nạn  lại vẫn có thể đóng mức cao hơn so với doanh nghiệp nhiều tai nạn do có tần suất giảm tốt. Quy định chuyên gia đánh giá là người huấn luyện cơ hữu của tổ chức huấn luyện Hang C và được bồi dưỡng sát hạch làm phát sinh thêm điều kiện kinh doanh, hạn chế sự tham gia của các chủ thể trong xã hội. 

Nhiều vụ TNLĐ xảy ra trước khi Luật ATVSLĐ có hiệu lực, nhất là các TNLĐ giao thông do vẫn phải thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội trước đây nên chưa giải quyết được các tồn đọng (do trong hồ sơ không có Biên bản hiện trường của công an giao thông theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 đến nay vẫn chưa có cơ sở giải quyết). 

Đối với những người bị TNLĐ, BNN tổn thương dưới 5% không được thực hiện chế độ bảo hiểm cũng bộc lộ bất hợp lý theo nguyên tắc bảo hiểm, hạn chế so với bảo hiểm thương mại; còn tồn tại, rủi ro khi người lao động không lưu giữ hồ sơ hoặc người SDLĐ phá sản, giải tán doanh nghiệp không còn hồ sơ để thực hiện giám định tỷ lệ thương tật tăng và giám định tổng hợp.

Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên; chưa  quy định cho người bị suy giảm khả năng lao động dưới 31%. 

"Mức hưởng trợ cấp hàng tháng quy định tại Điều 49, trợ cấp một lần quy định tại Điều 48 của Luật ATVSLĐ được tính theo mức suy giảm khả năng lao động, thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội và mức lương cơ sở thấp, không đủ bù đắp thiệt hại.  Ví dụ, một người  bị suy giảm sức khỏe 81% (mù 2 mắt, cụt hai chi), có thời gian tham gia đóng bảo hiểm dưới 1 năm thì mức hưởng trợ cấp hàng tháng là 0,805 lần mức lương cơ sở, tương đương với 1.200.000 đồng; Chế độ trợ cấp phục vụ hàng tháng cho người bị liệt cột sống, mù 2 mắt, cụt  liệt 2 chi  bằng mức lương cơ sở là mức rất thấp, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống", ông Nguyễn Khánh Long phân tích. 

Xuất hiện sự bất bình đẳng trong hưởng chế độ hỗ trợ huấn luyện khi điểm b khoản 2 Điều 56 và khoản 1 và 2 Điều 14 Luật ATVSLĐ quy định không hỗ trợ cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường (nhóm 4), đặc biệt gây thiệt thòi đối với các doanh nghiệp chỉ có người lao động ở nhóm 4 phải tham gia đóng nhưng không được hưởng. Trong thực tế, các doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn cần hỗ trợ hoạt động huấn luyện nhóm 4 từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Chính phủ chưa có quy định về việc bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo HĐLĐ. Việc quy định chế độ này đặt trong bối cảnh so sánh với bảo hiểm thương mại và bảo hiểm bắt buộc TNLĐ, BNN đang còn nhiều tranh cãi và chưa khả thi.  

Tại Điều 45 Luật ATVSLĐ năm 2015 quy định điều kiện hưởng chế độ TNLĐ đối với “người lao động” nhưng chưa có quy định hưởng chế độ TNLĐ đối với “người SDLĐ”, trong khi người SDLĐ cũng tham gia bảo hiểm TNLĐ, cần xem xét, sửa đổi cho phù hợp.

Điều 57 và 58 Luật ATVSLĐ quy định về hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ, BNN,  thiếu quy định riêng hồ sơ đối với trường hợp chết người mà áp dụng theo Điều 111 và Điều 104 Luật Bảo hiểm xã hội, tuy nhiên Điều 104 của Luật bảo hiểm xã hội đã bị bãi bỏ theo Luật ATVSLĐ nên còn tạo sự lúng túng trong cách hiểu và áp dụng.  Thành phần hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ cũng chưa hợp lý do thiếu biên bản điều tra TNLĐ để xác định những trường hợp loại trừ, không được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 45 và Điều 40 của Luật ATVSLĐ.

Thủ tục, hồ sơ xem xét, giám định BNN cho người lao động đã nghỉ hưu hoặc chuyển đổi vị trí công việc hoặc doanh nghiệp đã phá sản còn phức tạp, dẫn đến  việc hoàn thiện các hồ sơ để hưởng chế độ BNN còn nhiều khó khăn. 

Đối tượng được áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN  bắt buộc theo quy định tại Điều 43 của Luật ATVSLĐ mới chỉ giới hạn đối với khu vực có quan hệ lao động và người lao động có HĐLĐ từ một tháng trở lên. Bảo hiểm tự nguyện TNLĐ, BNN đã quy định đối với người lao động làm việc không theo HĐLĐ. Tuy nhiên,đối tượng người lao động làm việc theo HĐLĐ dưới 1 tháng,  người làm công việc bán chuyên trách ở xã phường chưa được Luật ATVSLĐ điều chỉnh.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục