Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp: Chưa thoát tâm lý “khó quá bỏ qua”

07:06' - 17/01/2016
BNEWS Mặc dù đã có nhiều ưu đãi để tạo điều kiện, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Song vẫn còn có khoảng cách giữa cơ chế, chính sách với thực tế và hiệu quả mang lại.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SMEs) cho rằng, đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có xu hướng giảm về số lượng; thu hẹp về quy mô sản xuất và kinh doanh ở mọi lĩnh vực, ngành hàng, đặc biệt là trong những cuộc cọ xát, va chạm với các đối thủ nước ngoài khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau Nghị định 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/6/2009 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thêm Quyết định 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/10/2013 về quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây được xem như cứu cánh, góp phần giải quyết bài toán vốn, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.  

Nút thắt cơ chế

Ông Kiêm cho biết, hiện hoạt động cho vay thông qua bảo lãnh của các quỹ bảo lãnh tín dụng là không đáng kể. Nhiều ngân hàng được giao đảm nhiệm chức năng bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp cũng không mặn mà.

Doanh nghiệp thất vọng về sự nhiêu khê và những rào cản về cơ chế, nên thường có tâm lý “khó quá bỏ qua” và chấp nhận vay ngoài. Như vậy để thấy rằng, chính sách có như không.

Sự thiếu đồng nhất trong cơ chế cho vay khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp xúc được với nguồn vay. Ảnh: Quách Lắm/TTXVN

“Bên được bảo lãnh phải sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình mà pháp luật không cấm giao dịch để thực hiện các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn tại bên bảo lãnh theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm”.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng, đơn vị nhận ủy thác quản lý vốn và điều hành tác nghiệp Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng, đây là những quy định tại Điều 23, Quyết định 58/2013/QĐ-TTg.

Cùng với đó, Công văn số 13065/BTC-TCNH, Bộ Tài chính khẳng định “Tài sản đảm bảo tại quỹ bảo lãnh tín dụng để đảm bảo cho khoản bảo lãnh tại quỹ. Vì khi rủi ro xảy ra, thì quỹ bảo lãnh tín dụng là người phải trả nợ và chịu rủi ro cuối cùng.”

Ông Tâm nêu quan điểm, như vậy một trong các điều kiện để quỹ cấp Bảo lãnh tín dụng là doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm cho khoản bảo lãnh tại quỹ. Nhưng trên thực tế, nếu doanh nghiệp có đủ tài sản đảm bảo sẽ thế chấp cho ngân hàng để được vay trực tiếp, chứ không cần qua quỹ bảo lãnh tín dụng, đỡ mất thêm khoản phí bảo lãnh.

Thậm chí, nếu doanh nghiệp được ngân hàng xếp hạng tín nhiệm tốt, phương án vay vốn được đánh giá là khả thi và hiệu quả thì ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp vay tín chấp đối với phần tài sản còn thiếu, ông Tâm nhấn mạnh.

Thực tế triển khai

Từ thực tế triển khai công tác hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp của Quỹ Bảo lãnh tín dụng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt; tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh; phương án vay vốn được đánh giá là khả thi và có hiệu quả nhưng thiếu một phần tài sản đảm bảo để vay đủ vốn.

Bởi thế, không ai khác ngoài quỹ bảo lãnh cần phải đứng ra để giúp doanh nghiệp vay khoản vốn còn thiếu. Tuy nhiên, Quỹ sẽ không thể có tài sản để bảo lãnh cho khách hàng.

Doanh nghiệp thường có xu hướng "buông xuôi" khi gặp những khó khăn liên quan đến thủ tục xin cấp bảo lãnh tín dụng. Ảnh: TTXVN

Thực tế, các địa phương cũng linh hoạt có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong từng trường hợp, như chấp nhận cấp Chứng thư bảo lãnh tín chấp với khoản vay tối đa 2 tỷ đồng và nằm trong khoảng lệch giữa giá trị tài sản tín chấp của doanh nghiệp tại ngân hàng và hạn mức vay tối đa của giá trị tài sản tín chấp nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện.

Những Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, hình thức cho vay tín chấp vốn là giải pháp tài chính hiệu quả và được nhiều nước tiên tiến trên thế giới ưa chuộng. Mặc dù vậy, để xử lý tình huống như cách mà các quỹ bảo lãnh tín dụng đang làm hiện nay sẽ là có nguy cơ cao, bởi thiếu các cơ sở pháp lý cần thiết.

Nhất là trong trường hợp tài sản thế chấp để bảo đảm khoản vay tại ngân hàng là tài sản của bên thứ ba, do quỹ không có xác lập giao dịch bảo đảm và đăng ký bảo đảm cho khoản bảo lãnh, quỹ không được thanh toán từ xử lý các tài sản đó.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm đề xuất, quy định nào chưa đúng thì nên sửa, cốt yếu phải thực chất và mang lại ý nghĩa thiết thực vì lợi ích cho doanh nghiệp, đặc biệt là những đối tượng yếu thế như doanh nghiệp nhỏ và vừa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục