Bão lớn mùa Đông có thể khiến các kệ hàng ở Mỹ trống trải lâu hơn nữa

07:00' - 17/01/2022
BNEWS Tại Mỹ, các cửa hàng tạp hóa đã phải vật lộn để giữ cho các kệ hàng được đầy ắp giữa bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa “gặp khó” vì sự lây lan mạnh của biến thể Omicron.
Giờ đây, các thị trường trên khắp nước Mỹ đang phải đối mặt với một cơn bão mùa Đông lớn có thể khiến các kệ hàng trống trong khoảng thời gian lâu hơn nữa.

Một cơn bão lớn đang tiến về các khu vực Trung Tây, bờ biển phía Nam và phía Đông của nước Mỹ. Người ta lo ngại cơn bão này sẽ giáng thêm một đòn vào những người bán hàng tạp hóa vốn đang phải vật lộn để duy trì nguồn cung các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như sữa, nước trái cây, sản phẩm, súp và thịt.

Miguel Gomez, Giáo sư mảng tiếp thị thực phẩm tại Trường Kinh tế Ứng dụng Dyson thuộc Đại học Cornell, cho biết lo ngại về các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân khiến người tiêu dùng tăng cường dự trữ hàng tạp hóa.

 
Ông nói: “Thật không may, những cơn bão mùa Đông này sẽ gây ra thêm sự chậm trễ cho chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng. Tôi cho rằng người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn một số loại hàng hoá”.

Thời điểm xảy ra cơn bão không thể tồi tệ hơn đối với các siêu thị. Trong những ngày gần đây, người tiêu dùng trên khắp đất nước đã bày tỏ sự thất vọng của họ trên mạng xã hội, đăng ảnh trên Twitter về những kệ hàng trơ trọi tại các địa điểm của Trader Joe, cửa hàng Giant Foods và Publix, cùng nhiều cửa hàng khác.

Cô Miah Daughtery, một người tiêu dùng, đã đăng một bức ảnh trên Twitter vào ngày 9/1 từ cửa hàng của Trader Joe ở Bethesda, Maryland, cho thấy nhiều kệ hàng thực phẩm đã bị “quét” sạch. Cô viết: "Lúc này là 4 giờ chiều, khoảng thời gian mà cửa hàng này luôn có đầy đủ hàng".

Cô Daughtery đã ngạc nhiên đến mức cô phải hỏi một nhân viên xem cửa hàng có chuẩn bị đóng cửa hay không và được biết nguồn cung hàng tạp hóa đang bị hạn chế vì sự xuất hiện của cơn bão ở bờ biển phía Đông vào cuối tuần trước đã ngăn cản các tuyến đường di chuyển của xe tải giao hàng.

"Không có một quả trứng nào ở cửa hàng, không có trái cây tươi, không có tỏi. Về cơ bản, các mặt hàng chủ lực hàng ngày đều thưa thớt", cô Daughtery nói.

Trước đó, cô Daughtery cũng đã ghé qua một cửa hàng Giant Food gần đó. Cô nói: “Không có thịt gà xay và các mặt hàng làm từ sữa gần như bị xóa sổ”.

Hàng đông lạnh, thịt, bánh quy, các sản phẩm nước trái cây đang khan hiếm

Theo số liệu mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường IRI, các chuỗi siêu thị trên toàn nước Mỹ hiện đang phải đối phó với tình trạng nguồn cung thắt chặt hơn đối với tất cả các loại thực phẩm và hàng gia dụng.

Cũng theo IRI, các cửa hàng tạp hóa trong thời điểm tốt nhất thường có xu hướng dự trữ từ 90% đến 95% các chủng loại sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ bắt đầu nhận thấy khoảng trống trên các kệ hàng khi hàng tồn kho giảm xuống dưới ngưỡng 90%.

Dữ liệu của IRI trong tuần kết thúc vào ngày 9/1 cho thấy nguồn cung dự trữ của một số loại thực phẩm và đồ uống đang bị đe doạ, đó là thịt đông lạnh (ở mức dưới 90%), các sản phẩm nướng sẵn đông lạnh (ở mức 69%), trái cây, bánh quy và đồ ăn sáng (dưới 90%). Trong khi đó, nguồn dự trữ của đồ uống lạnh giảm xuống chỉ còn 88% trong khi bột mì đông lạnh giảm mạnh nhất xuống còn 60%.

Lượng tồn kho của đồ uống thể thao và năng lượng, nước trái cây, sản phẩm chăm sóc vật nuôi, giấy cũng giảm xuống dưới ngưỡng 90% trong khoảng thời gian này.

Khi nguồn cung sản phẩm cạn kiệt, người mua hàng buộc phải chấp nhận mức giá thực phẩm cao hơn.

Cô Teresa Hinke đã có mặt tại một cửa hàng Wegmans ở Mount Laurel, New Jersey, vào đầu tuần này và cho biết cô cảm thấy thất vọng với việc chuỗi cung ứng khó khăn đang khiến các kệ hàng trống không và giá thực phẩm tăng chóng mặt.

"Tôi đã dừng lại ở Wegmans và tôi đã bị sốc", cô nói. Cô Hinke đã mua một ít thịt gà nhưng không thể kiếm được hải sản tươi sống. Cô cho biết: “Món bít tết sườn có giá hơn 25 USD và sò điệp là 32,99 USD cho 0,5 kg”.

Người tiêu dùng cần linh hoạt hơn

Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang đe doạ làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng tạp hóa.

Doug Baker, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm (FMI), một tập đoàn thương mại công nghiệp, cho biết: “Hiện tượng này thường tồn tại trong thời gian ngắn và sau đó mọi thứ sẽ tiếp tục”.

Tuy nhiên, do sự lây lan của biến thể Omicron, dẫn đến sự thắt chặt nguồn cung trong ngành công nghiệp thực phẩm, những hiện tượng thời tiết tiêu cực của mùa Đông đã “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến các hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên phức tạp hơn.

Cụ thể, ông Baker dự đoán người tiêu dùng ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão sẽ có xu hướng tích trữ hàng hoá: "Bản năng của con người là phản ứng với những gì họ nhìn thấy và nghe thấy. Điều đó sẽ xảy ra”.

Trước tình hình đó, ông Baker đưa ra lời khuyên là người mua hàng nên cố gắng linh hoạt. “Nếu nhãn hiệu yêu thích của bạn không có trên kệ, hãy tìm một sản phẩm thay thế. Hãy hạn chế tích trữ hàng hoá. Nếu bạn lấy nhiều hơn một chút so với những gì bạn cần, bạn có thể làm tình hình thêm phức tạp”, ông Baker nói.

Trong khi đó, cô Daughtery khẳng định cô sẽ không dự trữ hàng hóa và sẽ cố gắng trở nên sáng tạo hơn với những món hàng tạp hóa mà cô đã có sẵn ở nhà.

"Khi đại dịch bắt đầu, tôi đã dự trữ nguồn cung chủ yếu ở nhà. Trong trường hợp xấu nhất, tôi luôn có thể nướng một chiếc bánh và ăn chiếc bánh này nếu lượng lương thực dự trữ giảm dần trong những ngày sắp tới".

>>>Mỹ, Canada, New Zealand, Fiji ban bố cảnh báo sóng thần

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục