Báo Tết - món quà tinh thần quý giá

08:12' - 23/01/2020
BNEWS Đã thành thông lệ, hằng năm cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, các cửa hàng bán báo lại rực rỡ sắc màu hơn bởi hình bìa của những tờ báo Tết. Mùa xuân dường như bắt đầu từ đấy.
Người dân xem các tác phẩm tại Hội báo Xuân. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Từ rất sớm, những người làm báo ở Việt Nam đã chăm chút những tờ báo Xuân để mang lại cho người đọc những ấn phẩm đặc biệt trong những ngày Tết đến, xuân về.

Vượt ra ngoài vai trò của một sản phẩm báo chí, những giai phẩm Xuân đã trở thành một nét văn hóa đặc biệt và cũng có thể nói là riêng biệt của ngày Tết Việt Nam.

Báo Xuân - ấn phẩm hay và đẹp

Nếu lấy mốc Nam phong Tết Mậu Ngọ (1918) là tờ báo Xuân đầu tiên thì đến nay “phong tục” hay “truyền thống” làm báo Xuân đã có hơn 100 năm.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tuấn thì Tết năm 1918, Nam phong tạp chí cho ra một tuyển tập thơ văn như một thứ “giai phẩm” Xuân.

Cụ Vương Hồng Sển cho rằng: có thể xem đó là “thủy tổ các số báo Xuân, báo Tân niên, báo đặc biệt” ở Việt Nam (Thú chơi sách, Nhà xuất bản Mỹ thuật, TP Hồ Chí Minh).

Hưởng ứng nét văn hóa này, những năm tiếp theo, làng báo Việt Nam lần lượt cho ra đời những “giai phẩm” Xuân đặc sắc của: Thần Chung, Công Luận, Phụ Nữ Tân Văn, Nhật Tân, Sài Gòn mới, Đuốc Nhà Nam…

Nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến hai tờ báo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn là Phong Hóa tuần báo và Ngày Nay. Từ đó trở đi, việc các tờ báo ra số Xuân trở nên phổ biến và trở thành phong trào của làng báo Việt.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn, “về ngữ nghĩa, giai phẩm tức là ấn phẩm hay và đẹp. Thể loại này thường được giới làm báo người Việt thích cùng nhau soạn và cho ra mắt độc giả vào mùa Xuân, vào dịp Tết âm lịch. Đó cũng là cách người cầm bút Việt thể hiện tâm lý đón Tết, đón Xuân của dân tộc mình”.

Lật xem những trang báo Xuân cũ đã nhuốm màu thời gian thì thấy hầu hết báo Xuân trước đây đều tập trung nhiều nhất vào chủ đề phong tục tập quán của ngày Tết, giới thiệu văn hóa, thành tựu về các lĩnh vực của nước nhà. Nhưng hiếm thấy trang bìa báo Xuân trước đây dùng ảnh, mà phần nhiều là sử dụng tranh minh họa.

Trong những khuôn báo Xuân xưa luôn có những bài vở mang tính hoài niệm, hồi tưởng những cái Tết đã qua ở mọi hoàn cảnh, từ Tết trong vùng kháng chiến, Tết ở đảo xa cho đến Tết trên miền thượng du... Hay như dạng phản ánh cái Tết của mọi tầng lớp trong xã hội, điển hình là giới làm báo, giới nghệ sĩ, giới chính khách…

Vì là ấn phẩm đặc biệt cho nên số báo này tạm gác những lo toan của cuộc sống thường nhật, không có nhiều bài đề cập đến các vấn đề chính trị, chiến sự, mà thường đề cao yếu tố xúc cảm nhân văn, hướng đến những suy tư và gợi mở không khí Tết qua những chủ đề, cụm nội dung hướng bạn đọc đến sự vui tươi, tinh thần lạc quan...

Trưng bày báo Xuân. Ảnh: Thùy Dung – TTXVN

Đặc biệt, những bài viết về đời sống xã hội, tâm tình ngày Tết thường chiếm “đất” nhiều hơn trên các mặt báo số Tết.

Báo Xuân cũng luôn có cách phát hành, quảng bá khác biệt hẳn với các số báo ngày thường, nhằm thu hút và luôn cuốn người độc giả.

Một số tòa soạn tung ra chiêu khuyến mãi bạn đọc khi mua báo Xuân, như rút thăm may mắn trúng thưởng hay đính kèm phần quà xinh xắn.

Bên cạnh đó, có tờ báo Xuân ngày xưa lại kèm thêm cả phụ bản - là những tranh mộc bản in màu của những họa sĩ nổi tiếng.

Trang phụ bản thường in rời và nội dung các tranh phụ bản thường có chủ đề về mùa xuân như thiếu nữ với hoa xuân, hay vẽ các con vật tượng trưng cho con giáp trong năm hoặc cũng có khi là sự biến tấu của một bức tranh dân gian... do đó độc giả có thể lấy dán lên tường, làm tranh trang trí trong mấy ngày Tết.

Và các họa sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực vẽ báo Xuân thường được nhắc đến như những người làm nên “linh hồn” cho những trang báo Tết. Chính điều này đã tạo nên sự hấp dẫn của báo Xuân xưa.

Món quà tinh thần quý giá

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ làm báo, báo Tết liên tục cải tiến về nội dung và hình thức để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của độc giả.

 Đông đảo người dân xem các tác phẩm tại Hội báo Xuân Canh Tý 2020. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Tuy nhiên vẫn có thể nhận thấy những nét tương đồng với tinh thần làm báo Xuân ngày xưa. Đó là phần nào phản ánh diện mạo tâm hồn của con người trước thời cuộc.

Báo Xuân thường là sự huy động tư duy sáng tạo đến từ người thiết kế nội dung, trình bày cho đến người viết được tập trung cao độ.

Những tờ báo Xuân thường là nơi tập hợp những tên tuổi quan trọng làm nên giá trị hay thương hiệu của các tờ báo, những cây bút có sức ảnh hưởng với công chúng và có khả năng thực hiện những chủ đề chuyên sâu về lối sống, văn hóa xã hội, thời thế...

Báo Tết từ lâu đã trở thành món quà tinh thần quý giá có thể đem biếu, tặng nhau trong những ngày đầu năm mới. Vào dịp mừng năm mới, các cơ quan chủ quản thường tổ chức hội báo Xuân, là nơi đông đảo người làm báo gặp gỡ ân tình, đồng thời vinh danh các gian trưng bày, các số báo Tết tốt, bìa báo đẹp, bài báo hay, đặc sắc.

Đối với giới làm báo, báo Xuân là một cuộc chơi thăng hoa và lắng đọng trí tuệ trong nghề nghiệp, sau một năm làm thời sự. Nhu cầu thưởng thức báo Xuân càng ngày càng đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Và các đối tác quảng cáo trong thời thị trường cũng đánh giá tờ báo Xuân là nơi quảng bá hình ảnh hiệu quả.

Còn đối với bạn đọc, thói quen mua báo Xuân đọc trong mấy ngày Tết, kể cả thời kỳ mạng xã hội phát triển vẫn được lưu giữ như một nét đẹp mỗi khi Tết đến xuân về./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục