Bão tiếp tục tăng cấp trước khi suy yếu dần

21:07' - 06/07/2025
BNEWS Do tác động của bão, đêm 6/7, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 15, sóng biển cao 4-6m, biển động dữ dội.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 6/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,9°N; 119,6°E, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12 (118–133km/h), giật cấp 15; di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc với tốc độ khoảng 20km/h. Ngoài ra còn nhiều hình thái thời tiết khác đi kèm.

Bão gây gió mạnh cấp 10, giật cấp 12

Nhận định về diễn biến bão số 2, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, đến 19 giờ ngày 7/7, bão trên vùng biển tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc với tốc độ 20-25km/h và suy yếu dần. Khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đến 19 giờ ngày 8/7, bão trên vùng ven biển tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bão di chuyển theo hướng Bắc sau đó đổi hướng Tây với tốc độ 10 km/h và tiếp tục suy yếu.

Đến 19 giờ ngày 9/7, bão trên đất liền tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) với sức gió dưới cấp 6. Bão di chuyển theo hướng Tây Nam với tốc độ 10 km/h và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

 
Do tác động của bão, đêm 6/7, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 15, sóng biển cao 4-6m, biển động dữ dội. Từ ngày 7/7, gió mạnh giảm dần.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Đề phòng lũ quét, sạt lở ở Lai Châu và Sơn La

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, từ 20 giờ 30 phút ngày 6/7 đến 2 giờ 30 phút ngày 7/7, khu vực các tỉnh Lai Châu và Sơn La tục có mưa với lượng mưa tích luỹ phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 80mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các xã, phường: Khoen On, Mường Kim, Mường Than, Than Uyên (tỉnh Lai Châu); Bình Thuận, Chiềng Hặc, Chiềng La, Chiềng Lao, Chiềng Sơn, Co Mạ, Long Hẹ, Lóng Phiêng, Lóng Sập, Muổi Nọi, Mường É, Mường Giôn, Mường Khiêng, Mường Lạn, Mường Sại, Nậm Lầu, Nậm Ty, Chiềng An,  Chiềng Cơi, Phiêng Cằm, Phiêng Khoài, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Thuận Châu, Xuân Nha (tỉnh Sơn La). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Cơ quan Khí tượng thủy văn kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Từ 17 giờ đến 19 giờ ngày 6/7, khu vực các tỉnh trên đã có mưa vừa, mưa to như: Mường Kim (Lai Châu) 68,2mm; Chiềng Nơi (Sơn La) 50,4mm;...

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục