Bảo tồn bền vững Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn
Các khu đền tháp được xây dựng trên những ngọn đồi thấp được ví như những "ngọn đuốc rực đỏ" giữa màu xanh của cỏ cây, núi rừng. Trong khu di tích có 320 ha là khu trung tâm và 1.158 ha rừng với nhiều loài động thực vật quý hiếm, được bảo vệ nghiêm ngặt. Với những giá trị văn hóa đặc trưng, năm 1999 Khu di tích Mỹ Sơn đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Theo chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Thủy, Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ IV và phát triển trong thế kỷ VII, XIII. Khu di tích có tổng thể kiến trúc phong phú và đa dạng nhất của nghệ thuật Chăm, với hơn 70 kiến trúc đền tháp và một số lớn bia ký có niên đại trong nhiều thế kỷ.Song đến nay, Mỹ Sơn chỉ còn khoảng gần 20 đền, tháp. Các đền, tháp nơi đây có tư thế vút lên cao, biểu trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết, được xây bằng gạch với kỹ thuật tinh tế.
Đền tháp Mỹ Sơn được bố trí theo tổng thể một đền thờ chính nằm ở giữa tượng trưng cho ngọn núi Ménu, trung tâm vũ trụ, nơi ngự trị của thần linh, gồm 3 phần (đế tháp, thân tháp và mái tháp). Đế tháp được xây vuông hoặc hình chữ thập, tượng trưng cho thế giới trần tục; quanh đế tháp được trang trí các mô típ hoa văn hoặc những hình động vật, hình người cầu nguyện mặt kala, makala hay là các vũ nữ, nhạc công… Những thăng trầm của lịch sử, sự khắc nghiệt của thời tiết cùng với những năm tháng chiến tranh đã làm cho Khu di tích Mỹ Sơn xuống cấp trầm trọng.
Để gìn giữ những nét văn hóa Chăm độc đáo cho muôn đời sau, Nhà nước đã cho tiến hành trùng tu, bảo tồn Khu di tích Mỹ Sơn. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020, với tổng diện tích quy hoạch gần 11.160 ha.
Định hướng chiến lược là bảo tồn khu di tích một cách bền vững, lâu dài, tương xứng với giá trị và phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên - xã hội. Theo đó, Dự án được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2010 đến năm 2016, triển khai xây dựng dữ liệu, tài liệu khoa học; giải quyết triệt để bom mìn còn sót lại trong khu vực; xử lý chất độc hóa học; cải tạo kỹ thuật hạ tầng; xây dựng các công trình quản lý dịch vụ; bảo vệ cảnh quan môi trường; giải quyết giao thông nội bộ, phục hồi rừng bản địa để nâng giá trị di tích. Giai đoạn 2, từ năm 2016-2020, trùng tu gia cố một số di tích có nguy cơ sụp đổ cao.
Bên cạnh các hoạt động trùng tu bảo vệ di sản, Ban quản lý Khu di tích Mỹ Sơn còn xác định bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Diện tích rừng bao quanh Khu di tích Mỹ Sơn chủ yếu thuộc địa bàn các xã Duy Phú, Duy Hòa, Duy Sơn và một phần giáp ranh với xã Quế Trung, huyện Nông Sơn.
Thời gian qua, tình trạng người dân săn bắt động vật, chặt phá rừng làm cho tài nguyên rừng và đa dạng sinh học bị suy giảm. Trước thực trạng trên, Ban quản lý khu di tích đã thành lập đội an ninh bảo vệ rừng và đầu tư các trang thiết bị, công cụ chuyên dụng phòng cháy rừng.
Đơn vị cũng tổ chức phát tuyến hàng chục km đường băng xanh ngăn chặn cháy rừng. Bên cạnh đó đơn vị còn bố trí lực lượng truy quét các đối tượng săn bắt động vật hoang dã; phá dỡ các bẫy thú đặt trong rừng.
Công tác phát triển rừng, bảo tồn các nguồn gen quý cũng được Ban quản lý Khu di tích Mỹ Sơn quan tâm, cụ thể là tổ chức triển khai các hoạt động trồng các loài cây bản địa (lim xanh, gõ đỏ, cẩm lai, lát hoa, dầu rái…) nhằm phát triển rừng theo tiêu chí rừng đặc dụng và tôn tạo cảnh quan di tích lịch sử.
Các loại cây có nguy cơ tuyệt chủng như chua, trao, kơ nia, giẻ đỏ… cũng được bảo vệ và phát triển tốt; cùng với đó là sự trở về của các loài động vật hoang dã như heo rừng, gà rừng, gà gô, trĩ, mang, khỉ và các loài chim…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng bền vững, Ban quản lý Khu di tích Mỹ Sơn đã đề ra một số giải pháp cấp thiết kiện toàn hệ thống các trạm bảo vệ, tổ tuần tra rừng; xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, giảm tình trạng chặt phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; lập sơ đồ tuyến tuần tra rừng tự nhiên đối với các Trạm Kiểm lâm, đảm bảo khép kín đến từng lô, khoảnh rừng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý hiệu quả tài nguyên rừng …
Với mục tiêu bảo tồn khu di tích bền vững, lâu dài, tương xứng với giá trị và phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên - xã hội, trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức các Chương trình tái hiện lại các lễ hội của người Chăm xưa trong thánh địa Mỹ Sơn; đồng thời, ưu tiên hàng đầu bảo vệ nguyên vẹn những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và những chức năng truyền thống của khu di tích; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá ý nghĩa lịch sử của di tích…
Đặc biệt, cơ quan chức năng nghiêm cấm các loại phương tiện có động cơ và khí thải đi vào vùng trung tâm của Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, thay vào đó là đi bộ hoặc di chuyển bằng xe điện. Những hoạt động này sẽ phát huy tốt giá trị di sản thông qua khai thác tham quan du lịch và các dịch vụ, tạo nguồn kinh phí để góp phần đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ cảnh quan và tu bổ, tôn tạo di tích lâu dài./.
>>> Phát hiện con đường cổ chìm trong lòng đất ở Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam
Tin liên quan
-
Đời sống
Trùng tu, phục dựng đoạn đường cổ tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn
14:43' - 25/05/2017
Các chuyên gia đã dùng vật liệu gỗ để làm hệ thống kèo nhằm chống đỡ cho tháp khỏi bị đổ ngã trước sự tác động của tự nhiên.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế & Xã hội
Đất Sen hồng: Bứt phá ngoạn mục sau những đổi thay
12:11'
Sau 50 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Tháp đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, chung sức, chung lòng xây dựng Đất Sen hồng ngày càng giàu đẹp.
-
Kinh tế & Xã hội
Ứng phó thiên tai: Sống còn nhờ dinh dưỡng đúng cách
11:34'
Ngày 28-29/4, tại Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức hội thảo “Ứng phó dinh dưỡng khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai”.
-
Kinh tế & Xã hội
Nam Phi ghi nhận khách du lịch nước ngoài tăng trong dịp lễ Phục sinh
10:07'
Cơ quan Quản lý Biên giới (BMA) Nam Phi, ông Michael Masiapato cho biết tổng cộng có 1.057.063 lượt du khách đã nhập cảnh Nam Phi trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh năm 2025.
-
Kinh tế & Xã hội
Điểm check in - nơi phát bản tin quan trọng nhất trong lịch sử chiến tranh
09:40'
Cách đây 50 năm, bản tin chiến thắng đầu tiên - bản tin quan trọng nhất trong lịch sử chiến tranh, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc - do Việt Nam Thông tấn xã phát được cả nước chào đón.
-
Kinh tế & Xã hội
Lịch thi đấu bóng đá hôm nay ngày 29/4/2025
05:00'
Bnews. Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 29/4, sáng mai 30/4 các trận đấu trong nước, quốc tế đêm nay và sáng mai được cập nhật mới nhất, chính xác nhất. Lịch thi đấu ngoại hạng Anh, La Liga, Bundesliga.
-
Kinh tế & Xã hội
Cần Thơ công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ
22:07' - 28/04/2025
Chiều 28/4, tại thành phố Cần Thơ, Thành ủy Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ.
-
Kinh tế & Xã hội
Bộ Nội vụ nói về giải quyết việc làm cho người bị ảnh hưởng do sắp xếp bộ máy
20:56' - 28/04/2025
Bộ Nội vụ đang hoàn thiện hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh, ngạch và chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức ở phường, xã, đặc khu khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
-
Kinh tế & Xã hội
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tuyển sinh Cao đẳng năm 2025
19:59' - 28/04/2025
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 290/GDNNGDTX-GDCQ (ngày 24/4/2025) hướng dẫn tuyển sinh Cao đẳng năm 2025.
-
Kinh tế & Xã hội
XSMT 29/4. Kết quả xổ số miền Trung hôm nay ngày 29/4/2025. XSMT thứ Ba ngày 29/4
19:30' - 28/04/2025
Bnews. XSMT 29/4. Kết quả xổ số hôm nay ngày 29/4. XSMB thứ Ba. Trực tiếp KQXSMT ngày 29/4. Kết quả xổ số miền Trung hôm nay thứ Ba ngày 29/4/2025.