Bế mạc Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

20:10' - 20/09/2018
BNEWS Chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 27, kết thúc 9 ngày làm việc với nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XIV sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào 9 dự án luật, nhiều nội dung quan trọng và thông qua một số nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo, dự án luật để tiến hành các bước tiếp theo hoặc gửi đến các vị đại biểu Quốc hội trước kỳ họp đúng thời hạn quy định; hoàn thiện dự thảo các nghị quyết để trình ký ban hành. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, mặc dù dự kiến nội dung Phiên họp thứ 27 đã được thông báo từ rất sớm để các cơ quan chủ động trong công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung không đủ điều kiện nên phải rút khỏi chương trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định bổ sung thêm 2 nội dung vào chương trình phiên họp. “Đây cũng là vấn đề các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục lưu ý, rút kinh nghiệm để thực hiện nghiêm túc quy định trong việc chuẩn bị và tiến hành các phiên họp sau”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

Nhấn mạnh Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Quốc hội (dự kiến từ ngày 15-17/10), là phiên họp cuối để chốt các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan gửi hồ sơ tài liệu đúng thời hạn để bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung. 

* Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường để nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, góp phần hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường như xăng dầu sinh học và bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và giá dầu có biến động khó lường. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng, trong đó có xăng dầu. Cụ thể, xăng được đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. Dầu diesel được đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn được đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Dầu hỏa được đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít. 

Ngoài ra, Nghị quyết còn điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng có ảnh hưởng đến môi trường như: Than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, túi ni-lông, các loại thuốc khử trùng thuộc loại hạn chế sử dụng. 

* Đầu giờ chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Các ý kiến phát biểu về cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi toàn diện luật này để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, tạo hành lang cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch; cần bổ sung thêm những nội dung cụ thể về nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục