“Bé xinh” nhưng quan trọng với nền kinh tế
Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 25/3/2025 yêu cầu: Phải thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách nhanh chóng, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Vào đầu năm 2025 cả nước có hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, bên cạnh đó là gần 30.000 hợp tác xã cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đây là sự phát triển vượt bậc nếu so với số đơn vị hoạt động cách đây 20 năm (năm 2004): 92.000 doanh nghiệp. Trong tháng 1/2025 hơn 33.400 doanh nghiệp được thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó gần 10.700 cơ sở đăng ký thành lập mới với tổng số vốn khoảng 94.100 tỷ đồng và tổng số lao động hơn 81.500 lao động. Đáng chú ý là gần 98% số doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta có quy mô nhỏ và vừa với tổng nguồn vốn là 16,6 triệu tỷ đồng, tức gần 30% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Với tỷ trọng lớn như vậy, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế.Thế nào là doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Điều 4 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 xác định: Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân mỗi năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí là tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ có số lao động không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp nhỏ có số lao động không quá 50 - 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 – 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng.Tại Việt Nam, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo ra 5,5 triệu việc làm (so với 9,8 triệu lao động của doanh nghiệp lớn), có vai trò quan trọng trong chính sách xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động. Đây là lực lượng chủ yếu khai thác các thị trường ngách mà các tập đoàn, doanh nghiệp lớn không mặn mà, huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội.
Do có quy mô không lớn và cách hoạt động linh hoạt nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nơi phù hợp để áp dụng các ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Đây cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia thông qua hình thức cung cấp nguyên liệu, dịch vụ hậu cần hoặc gia công sản phẩm. Các doanh nghiệp lớn thường tập trung chủ yếu ở các thành phố, khu công nghiệp lớn, "nước chảy chỗ trũng" nên sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập sự cân bằng về trình độ phát triển giữa các vùng, miền và sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn thu hút nhiều lao động thời vụ trong các kỳ nông nhàn, chuyển dịch dần dần lao động làm nông nghiệp sang làm công nghiệp hoặc dịch vụ, thực hiện phương châm “ly nông bất ly hương”.
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa thường tập trung vào các ngành, lĩnh vực nhằm khai thác lợi thế địa phương như nông sản, du lịch, làng nghề truyền thống. Tuy vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam còn non trẻ, chưa có tích lũy nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh, gặp nhiều khó khăn, gặp nhiều rào cản trên con đường phát triển bền vững. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường đang có xu hướng giảm - trong tháng 1/2025 đã có 58.300 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Các doanh nghiệp trong khu vực này có số vốn ít, chủ yếu là dưới 10 tỷ đồng, khả năng huy động vốn hạn chế, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý chưa cao, chưa chuyên nghiệp... Phần lớn doanh nghiệp hoạt động manh mún, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, tỷ trọng doanh nghiệp tham gia sản xuất rất hạn chế, tốc độ chuyển dịch quy mô chậm. Một trong những vấn đề nan giải của khối này là khó tiếp cận vốn vay ngân hàng do không đảm bảo được điều kiện về tài sản thế chấp vì các chủ doanh nghiệp thường lấy nhà làm trụ sở công ty, tài sản cá nhân với tài sản doanh nghiệp không tách biệt rõ ràng. Nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá, trong Chỉ thị số 10/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh tham gia chuỗi giá trị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với số lượng áp đảo tuyệt đối, với vai trò quan trọng và sự nỗ lực không ngừng, một khi được hỗ trợ tối đa về nguồn vốn, đổi mới về cơ chế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ góp phần hết sức quan trọng vào việc tăng trưởng GDP đạt mức 8% trong năm 2025 và 10% GDP trở lên trong các năm tiếp theo.Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
15:43' - 27/03/2025
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn vừa chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh theo chức năng quản lý, rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
11:27' - 26/03/2025
Xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi vai trò của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế
-
Chính sách mới
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
20:29' - 25/03/2025
Ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
-
Chuyển động DN
Doanh nghiệp nhỏ Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất 4 năm
14:59' - 21/03/2025
Các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam đã trải qua một năm 2024 thành công, ghi nhận mức tăng trưởng đạt 82%, tăng so với mức 77% của năm 2023 và đây là mức cao nhất kể từ năm 2019.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chủ động kịch bản ứng phó trở ngại thị trường
11:00' - 16/03/2025
Tổ chức sản xuất theo hướng bền vững, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kịch bản, chủ động giải pháp thích ứng là chìa khóa cho doanh nghiệp vượt thách thức vươn xa trên bản đồ xuất khẩu thế giới
-
Phân tích doanh nghiệp
Doanh nghiệp vận tải biển lãi lớn, “chạy đua” mở rộng đội tàu
08:30' - 11/03/2025
Nhiều doanh nghiệp vận tải biển công bố lãi lớn, thậm chí lãi kỷ lục. Trước những yếu tố lạc quan về tăng trưởng, doanh nghiệp vận tải biển đang bước vào cuộc đua mở rộng đội tàu.
-
Phân tích doanh nghiệp
"Điểm tựa" cho doanh nghiệp điện
14:32' - 06/03/2025
Doanh nghiệp ngành điện trong năm 2025 được cho là có triển vọng khởi sắc nhờ giá phát điện của các đơn vị phát điện sẽ không biến động lớn so với năm 2024.