Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Đáp ứng nguyện vọng của cử tri cả nước

16:41' - 24/11/2017
BNEWS Sau một tháng làm việc, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc vào chiều 24/11.
 
Sau một tháng làm việc, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc vào chiều 24/11. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều đạt biểu cho rằng, kỳ họp lần này đã có nhiều đột phá, nội dung chương trình làm việc được tổ chức khoa học và chất lượng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri cả nước.

* Chương trình khoa học và chất lượng

Nhiều ý kiến cho rằng, trong kỳ họp này các đại biểu đã thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của người đại biểu dân cử khi phản ánh đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân trước những vấn đề trọng tâm, bức xúc trong xã hội.

Đặc biệt, tại các phiên thảo luận, chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã nêu các vấn đề ngắn gọn, rõ ràng, có tính xây dựng cao. Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ đã trả lời hầu hết các ý kiến của đại biểu đúng trọng tâm, ngắn gọn, chất lượng và đưa ra nhiều giải pháp, cam kết mạnh mẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, kỳ họp này Quốc hội đã có nhiều cải tiến như tăng thời lượng cho chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời dành thời gian cho các Đoàn đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận sâu hơn về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Điều đó chúng tỏ nội dung chương trình của kỳ họp đã được cải tiến theo hướng khoa học và chất lượng. Các đại biểu có cơ hội phân tích mặt được, những hạn chế, trở ngại, những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp khả thi và mang lại hiểu quả tốt nhất.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, Kỳ họp thứ 4 đã dành thêm nhiều thời gian để chất vấn và tranh luận là rất khoa học và hợp lý, qua đó giải đáp được những vấn đề cử tri mong đợi. Như vậy, Quốc hội đã tiến thêm được bước nữa, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

* Giải quyết những vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trước khi bước vào Kỳ họp thứ 4, Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đã có 23 buổi tiếp xúc cử tri, để tiếp nhận những kiến nghị về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời phản ánh những trăn trở, khó khăn của Thành phố trong xu thế phát triển của tương lai.

Theo đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, các đại biểu đã thẳng thắn tranh luận, không ngại va chạm và đi thẳng vào những vấn đề "nóng" mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. "Cử tri cả nước rất quan tâm đến tình trạng tham nhũng và xử lý tham nhũng, hay vấn đề nợ công...

Những nội dung này đã được Quốc hội thảo luận rất kỹ, đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu và đi đến triệt tiêu tình trạng tham nhũng cũng như giải quyết vấn đề nợ công", đại biểu lấy ví dụ.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng, kỳ họp đã được chuẩn bị rất kỹ càng, giải quyết được những vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế, xã hội, phù hợp với mong muốn của cử tri trên cả nước. Các dự án luật sau khi thảo luận đã tạo ra sự đồng thuận cao giữa các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri.

Theo đại biểu, chất lượng Kỳ họp lần này đã có nhiều cải tiến, lượng thông tin rộng hơn và cung cấp một cách khá cụ thể, từng đại biểu có những dữ liệu chi tiết, làm cơ sở nghiên cứu những nội dung gắn liền với thực tiễn công tác của mình, từ đó cùng tư duy, tranh luận và kiến nghị để các dự án luật đi sát với thực tế đời sống.

Đặc biệt, các đại biểu đồng quan điểm khi đưa ra đóng góp những vấn đề liên quan đến hoạt động tư pháp, công tác điều tra, truy tố và xét xử. Tư lệnh các ngành này đã tiếp thu, đánh giá cũng như có cam kết mạnh mẽ về việc cải cách hệ thống tư pháp thông qua hoạt động xét xử và thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao khâu chất vấn của đại biểu Quốc hội và phần trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời cụ thể những vấn đề mà dư luận rất quan tâm, tạo niềm tin cho cử tri cả nước.

Ở khâu lập pháp, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi và tranh luận với nhau về từng điều, khoản để khi luật được ban hành sẽ đi vào thực tế của cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo hướng hiện đại và bền vững./.

>> Quốc hội thông qua Nghị quyết liên quan đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục