Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Tăng thuế dễ dẫn đến kích cầu buôn lậu

18:57' - 31/10/2017
BNEWS Việc các cơ quan chức năng đề xuất tăng giá thuế cho thuốc lá trong nước là không cần thiết, dễ dẫn đến kích cầu buôn lậu trong khi công tác chống buôn lậu chưa mang lại nhiều kết quả.

Chiều 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Bên lề thảo luận, các đại biểu quốc hội đã chia sẻ nhiều ý kiến về những vấn đề liên quan đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội xã hội của đất nước.

Giải quyết triệt để tình trạng buôn lậu và trốn thuế

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), trên thực tế, hoạt động buôn lậu đã và đang rất sôi động trên đất liền cũng như trên biển.

Thiệt hại mà buôn lậu mang lại cho nền kinh tế của đất nước là rất lớn, nhưng không có một cơ quan có trách nhiệm nào đưa ra con số thống kê cụ thể, để có giải pháp hữu hiệu.

Theo đại biểu, nói đến nạn buôn lậu thì phải nói đến buôn lậu thuốc lá.

Theo đại biểu, đây là mặt hàng được vận chuyển công khai, bán tràn lan mà không hề có sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Vì vậy, việc các cơ quan chức năng đề xuất tăng giá thuế cho thuốc lá trong nước là không cần thiết, dễ dẫn đến kích cầu buôn lậu trong khi công tác chống buôn lậu chưa mang lại nhiều kết quả.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khẳng định, việc tái xuất thuốc lá trong nước không hề có tác dụng vì nhiều khi sản phẩm chưa đến biên giới đã quay trở lại nội địa, do rất nhiều loại thuốc lá ở nước ngoài sản xuất chỉ để nhập lậu vào thị trường Việt Nam.

Vì vậy, Chính phủ cần sáng suốt khi quyết định những giải pháp nói trên nhằm giải quyết tình trạng buôn lậu thuốc lá nói riêng đang rất phức tạp trên thị trường.

Đại biểu Ma Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, tình trạng buôn lậu là đặc điểm chung của các tỉnh biên giới; đối tượng buôn lậu rất liều lĩnh, tinh vi và thủ đoạn.

Mặc dù tỉnh An Giang đã quyết tâm, lực lượng chức năng không ngừng nỗ lực kiểm tra, kiểm soát ngày đêm, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường các chế tài xử phạt thật nghiêm minh, Chính phủ cần đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới, tăng cường mở rộng thêm số lượng lực lượng, đầu tư thêm trang bị thiết bị chuyên dùng...

Phân tích về tình trạng trốn thuế, đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho rằng, thuế là nguồn thu quan trọng nhất của quốc gia, nhưng thời gian qua, trốn thuế, nợ thuế, gian lận thương mại xảy ra ngày càng tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp.

Không ít doanh nghiệp lợi dụng hoàn thuế của Nhà nước để trục lợi, nhiều hộ kinh doanh trong đó có cả hộ kinh doanh lớn khai thuế không trung thực.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tình trạng buôn bán hóa đơn xảy ra ở không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh, gây thất thu nguồn thuế rất lớn.

Chính sách cho doanh nghiệp tự kê khai nộp thuế đã bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng kê khai thiếu trung thực, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Đại biểu Trần Công Thuật đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần rà soát khắc phục các kẽ hở trong các quy định chính sách, pháp luật về thuế; chủ động, tăng cường hơn nữa, chống thất thu thuế trên các lĩnh vực, thực hiện thu đúng, thu đủ, thu toàn diện vào ngân sách nhà nước.

Mặt khác, Chính phủ cần tập trung xử lý, thu hồi các khoản nợ thuế, chú trọng các mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao; hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp, các hàng hóa khai phá giảm thuế, thuế suất ưu đãi đặc biệt, đối tượng miễn thuế, hoàn thuế; có biện pháp hiệu quả để hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng sơ hở của chính sách để trốn thuế; tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển giá, quản lý kinh doanh lĩnh vực dịch vụ cao cấp như ăn uống, kinh doanh thương mại điện tử, quản lý kinh doanh xăng dầu.

Xử lý nghiêm những vụ phá rừng

Theo các đại biểu Quốc hội, việc mất rừng gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề và đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong tương lai.

Chỉ tính riêng đợt mưa lũ vừa qua đã làm gần 100 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 8.500 tỷ đồng, mà nguyên nhân chính để mất rừng tự nhiên; người dân đang đối mặt với biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, nước biển dâng… đều có nguyên nhân từ việc phá rừng.

Rừng không chỉ là tài nguyên mà còn tạo cảnh quan cho địa phương, vì thế cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trước thực trạng đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ sớm tổ chức hội nghị bàn giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm khắc phục tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) khẳng định, việc phá rừng ngày càng nghiêm trọng là một minh chứng cho tình trạng trên nóng, dưới lạnh.

Những vụ phá rừng lớn nhất vừa qua ở một số địa phương đã nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ.

Theo đại biểu, nếu như không có sự tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy.

Nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng, để phá rừng với lý do tận thu là một trong những nguyên nhân đe dọa sự tồn tại của rừng trong tương lai.

Để xử lý triệt để tình trạng phá rừng, Đại biểu đề nghị, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, đóng cửa rừng tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích; kiên quyết ngăn chặn, xử lý những trường hợp vi phạm.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) khẳng định, công tác trồng và quản lý bảo vệ rừng có đóng góp rất lớn thiết thực về phòng, chống thiên tai.

Một trong những giải pháp tốt nhất để phòng, chống thiên tai là cần làm tốt công tác quản lý và bảo vệ phát triển rừng vì rừng là lớp che phủ rất quan trọng có tác dụng giữ điều hòa nước, chống trơn, trượt.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra khi mất đi lớp thảm thực vật che phủ này, dù có thay thế bằng lớp thảm khác gồm những cây công nghiệp, cây ăn quả được trồng sau đó hiệu quả giữ nước này cũng sẽ không đảm bảo, đặc biệt với địa hình đồi núi dốc như ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Các đại biểu cho rằng, bên cạnh việc xây dựng chế tài xử lý nghiêm minh, các địa phương cũng cần phải có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, vì khi người dân trực tiếp thấy được những tác hại của việc mất rừng, họ được khơi dậy những nhận thức đúng thì sẽ tham gia bảo vệ rừng tốt hơn từ đó vận động toàn dân ủng hộ chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục