Bên lề Quốc hội: Đại biểu nói gì về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính?

14:44' - 16/11/2017
BNEWS Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu xung quanh phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu xung quanh phần trả lời chất vấn này.

*Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Phải thay đổi phương thức kiểm soát thuế

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Sáng nay, nội dung chất vấn tập trung vào 4 vấn đề: kiểm soát thuế, chống thất thu thuế; cải cách hành chính; chi ngân sách và nợ công; gian lận thương mại, chuyển giá. Đây là 4 vấn đề bao quát, nổi cộm của ngành tài chính, những vấn đề này cũng thể hiện việc Bộ trưởng Bộ Tài chính nắm ngành đến đâu.

Tôi thấy ưu điểm rất lớn của Bộ trưởng Dũng là trả lời các vấn đề rất chi tiết, cung cấp đầy đủ thông tin, minh chứng cần phải giải đáp cho đại biểu. Điều đó chứng tỏ Bộ trưởng nắm rất chắc những vấn đề trong ngành của mình quản lý và làm chủ vấn đề.

Tuy nhiên, có thể chính vì làm chủ và tự tin nắm rõ vấn đề cho nên Bộ trưởng Dũng trả lời nặng vào phần cung cấp thông tin và chưa chú trọng vào phần đưa ra các giải pháp là điều mà các đại biểu đặt câu hỏi mong muốn.

Một điểm nữa mà các đại biểu mong muốn hơn là trong các giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra là những giải pháp cơ bản, mà chúng ta vẫn thường đề cập đến. Tuy nhiên, trong thời gian tới có những gì đột phá hơn thì tôi thấy Bộ trưởng chưa mạnh dạn đưa ra.

Có thể Bộ trưởng có những ý tưởng khi thay đổi chính sách, chẳng hạn như Luật Quản lý nợ công, khi mà thay đổi phương thức quản lý, khi mà thực hiện cuộc cách mạng 4.0, nhưng Bộ trưởng chưa đưa ra được những ý tưởng này.

Tôi cho rằng, nếu Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra được những giải pháp đó thì các đại biểu sẽ thoả mãn hơn.

Liên quan đến phần trả lời về chuyển giá thì đây là nội dung đặt ra từ nhiều năm nay, và nó cũng không chỉ riêng với Việt Nam mà với nhiều quốc gia trên thế giới đều gặp phải vấn đề này.

Cho nên những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra mới chỉ đáp ứng một phần nào, còn để giải quyết được vấn đề chuyển giá đòi hỏi phải có một quá trình kiểm soát rất tổng thể và đặc biệt ở đây là tính chất liên thông quốc tế. Tôi thấy, vì chưa đủ thời gian nên Bộ trưởng Dũng chưa đề cập đến vấn đề đó.

Thực tế, hiện nay đang nổi lên vấn đề quản lý thuế, ví dụ như của Uber và Grab. Ở đây có 2 vấn đề đặt ra liên quan đến gian lận thương mại thông qua chuyển giá như là các hoạt động kinh doanh khác. Nhưng yếu tố thứ 2 nổi cộm hơn là phương thức quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh sử dụng công nghệ mới. Trong khi phương thức quản lý thuế, kiểm soát hoạt động kinh doanh của chúng ta hiện nay chưa theo kịp.

Chính vì vậy, mới xảy ra tình trạng hiện nay chúng ta đang để thất thoát thuế trong lĩnh vực này. Tôi cho rằng, đây là một vấn đề trọng tâm đặt ra cho ngành tài chính trong thời gian tới, phải thay đổi phương thức kiểm soát thuế không thể chỉ dựa vào hoá đơn, chứng từ, hay là dựa vào việc đến kiểm tra rồi đưa ra một mức thuế khoán.

*Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Cung cấp đầy đủ thông tin là điều quan trọng

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Tôi hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính, với thời gian rất ngắn ở trên hội trường và nhiều câu hỏi rất khó. Cách trả lời của Bộ trưởng cung cấp đầy đủ thông tin và chắc chắn sẽ có thêm phần trả lời bằng văn bản cho đại biểu để có thể giải đáp và giải trình cho cử tri khi các đại biểu đi tiếp xúc cử tri tới đây.

Tuy nhiên, trong ngôn từ hay cách trả lời của Bộ trưởng đôi khi kéo dài làm cho Chủ tịch Quốc hội phải nhắc nhở. Nhưng, chúng ta cũng phải hiểu rằng áp lực trả lời chất vấn của người đầu tiên đăng đàn thì cung cấp đầy đủ thông tin là điều quan trọng nhất.

Có rất nhiều vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm, đặc biệt là nợ công, an toàn nợ công, cải cách hành chính, thuế, hải quan là những vấn đề bức xúc thời gian qua.

Tôi thấy, Bộ trưởng nắm rất chắc các vấn đề các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên để có thể trả lời một cách thẳng thắn, đi vào cụ thể từng câu hỏi của các đại biểu thì ngoài phần trả lời trực tiếp trên hội trường thì Bộ Tài chính phải có những văn bản trả lời cụ thể hơn.

Nợ công là vấn đề hiện nay nhiều cử tri quan tâm, nhưng chúng ta cũng thấy rằng nhu cầu về đầu tư phát triển còn rất lớn, ngay cả đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông là 118.000 tỷ đồng. Nếu như chúng ta có được nợ công còn nhiều dư địa thì toàn bộ vốn cho đường cao tốc Bắc - Nam có thể sử dụng vốn đầu tư công.

Tuy nhiên do nguồn vốn có hạn nên chúng ta chỉ có thể đầu tư được 55.000 tỷ đồng, còn hơn 63.000 tỷ đồng phải huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước. Đó là bức xúc của xã hội, vì do chúng ta để nợ công tăng quá nhanh từ năm 2011 đến nay, từ 1 triệu tỷ đồng lên 3 triệu tỷ đồng và khoản trả nợ lãi vay hiện nay trong 1 năm là trên 250.000 tỷ đồng.

Tôi cũng chia sẻ với Chính phủ là Chính phủ đang cơ cấu lại khoản nợ, nhưng nếu tập trung quá nhiều vào nợ trong nước thì sẽ chèn ép thị trường tiền tệ, chính sách tiền tệ.

Bởi lúc đó Chính phủ sẽ cạnh tranh với chính doanh nghiệp để đi vay vốn, vì doanh nghiệp cũng cần vay vốn. Bây giờ, chúng ta bù đắp bội chi, huy động trả nợ vay thì lại cạnh tranh với chính doanh nghiệp là người nộp thuế cho mình.

Do vậy, chúng ta cần phải điều chỉnh việc này và nói một cách cụ thể hơn phải cắt giảm các khoản chi không cần thiết, chưa cấp thiết, thường xuyên... và phải nhanh chóng tinh gọn bộ máy hành chính một cách hiệu quả, giảm bớt các tầng lớp trung gian. Đó cũng là tinh thần Nghị quyết Trung ương 6.

Bên cạnh đó, tôi thấy rất nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề cải cách hành chính. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, trong vòng 2 năm qua Chính phủ đã thực hiện một Chính phủ minh bạch và kiến tạo, đã tập trung ra rất nhiều Nghị quyết để cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Và chúng ta đã được ghi nhận của tổ chức đánh giá quốc tế; trong đó họ xếp hạng Việt Nam năm 2015 ở bậc 91 và năm 2016 ở bậc 68, tức là chúng ta đã có một bước cải tiến vượt bậc, nhưng sự mong đợi của người dân, sự mong đợi của doanh nghiệp còn rất lớn.

Tuy nhiên, các thủ tục hành chính là chưa đủ mà còn có con người. Nếu không thay đổi tư duy, không thay đổi việc đánh giá cán bộ và nếu không mạnh dạn sa thải, mạnh dạn tinh giản biên chế cán bộ làm ở bộ phận hành chính thì chúng ta sẽ tiếp tục gặp khó chứ không phải chỉ có thủ tục hành chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục