Bên lề Quốc hội: Hiệp định EVFTA tăng năng lực cạnh tranh cho kinh tế Việt Nam

20:07' - 20/05/2020
BNEWS Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ những nội dung xung quanh việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Ngày 20/5, Quốc hội đã họp phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV. Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ những nội dung xung quanh việc đổi mới cách thức kỳ họp theo phương thức linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ và việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

* Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình): Sức mạnh cộng hưởng

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Tôi cho rằng, Hiệp định EVFTA cùng với các hiệp định thương mại tự do khác sẽ tạo nên sức mạnh cộng hưởng để thúc đẩy nỗ lực cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Hơn cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây là Hiệp định Thương mại tự do có chuẩn mực cao nhất, hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất, có tính tương hỗ, bổ sung cao nhất với nền kinh tế Việt Nam.
Vì vậy, EVFTA có ý nghĩa quan trọng với đất nước ta, xét trên nhiều góc độ như mở rộng thị trường, thúc đẩy đầu tư, cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việc phê chuẩn và thực hiện hiệp định này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã đẩy lùi được dịch COVID-19 và đang cần có thêm nhiều động lực mới để thực hiện tái khởi động, phục hồi nền kinh tế.
Về tăng cường quan hệ với EU, chúng ta sẽ có điều kiện tiếp cận một thị trường rộng lớn với gần 450 triệu dân của những nước giàu có hàng đầu thế giới. Điều này, giúp chúng ta đẩy mạnh được xuất khẩu; có điều kiện khai thông một dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài với chất lượng cao hơn từ EU vào Việt Nam cải thiện vị trí của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và có thêm động lực cải cách thể chế.
Để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể lên đường cao tốc hội nhập, theo tôi phải làm ngay những “đường gom”, “lối mở” để vào cao tốc. Đó chính là những Luật, những Nghị định, Thông tư nội luật hóa các cam kết, hoặc hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện các cam kết đó. Cùng với đó phải soạn thảo và ban hành thật nhanh chóng, kịp thời các văn bản hướng dẫn này là việc cấp thiết để triển khai khi hiệp định có hiệu lực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải làm quyết liệt tổ chức bộ máy, đào tạo tập huấn cho các cán bộ, cơ quan liên quan ở cả Trung ương và địa phương, hướng dẫn thực hiện và thường xuyên rà soát, kiểm tra trên thực tế.
Do vậy, cần thiết kế các chính sách, chương trình, các biện pháp hỗ trợ cần thiết… Đây chính là những “trạm tiếp sức” rất cần thiết cho các doanh nghiệp, người lao động Việt Nam bởi đường cao tốc EVFTA không phải là con đường miễn phí. Để doanh nghiệp và đất nước tận dụng được những cơ hội từ đường cao tốc EVFTA, Việt Nam phải đầu tư.
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, các doanh nghiệp phải bỏ thời gian và công sức để tìm hiểu về các cơ hội, thách thức từ hiệp định. Sau đó, đầu tư để thay đổi nguồn cung, chuỗi sản xuất, qua đó đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của Hiệp định.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sẽ phải mất thêm nhiều chi phí tuân thủ, để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao hơn về lao động, môi trường. Tất nhiên, doanh nghiệp phải đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh để có được những sản phẩm tốt, chất lượng cao, giá cả phải chăng đáp ứng yêu cầu của thị trường.
EVFTA chỉ mở ra con đường giao thương thuận lợi, EVFTA không tự nhiên mang đến thành công cho bất cứ doanh nghiệp nào nếu doanh nghiệp đó không có đủ sức cạnh tranh.
Với Nhà nước, để EVFTA thực sự là một động lực cải thiện nền kinh tế, Nhà nước cần phải đầu tư cho 3 công trình trụ cột – nền tảng quốc gia cho năng lực cạnh tranh gồm: hoàn thiện thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, năng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Liên quan đến kỳ họp trực tuyến lần này, theo tôi do tình thế không thể tổ chức kỳ họp bằng hình thức trực tiếp mà phải xen lẫn trực tuyến. Sự phối hợp giữa hai cách thức này rất hiệu quả và tôi hy vọng trong kỳ họp tới cũng nên có một số phiên họp trực tuyến để giảm bớt thời gian đi lại, giảm chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả.
Điều này hướng tới phương thức làm việc hiện đại hơn nhưng vẫn phải đảm bảo quyền và sự tương tác của các đại biểu. Bởi trong suốt kỳ họp không chỉ thảo luận trên hội trường mà các đại biểu còn có những mối quan hệ tương tác giữa đại biểu chính quyền nhân dân với các cơ quan chính quyền các cấp cũng là giúp nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của mình.
Kỳ họp trực tuyến rất chuyên nghiệp và hiệu quả và đây là mô hình thích hợp để mở rộng các hoạt động của Quốc hội cũng như các cơ quan khác trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại.
* Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh



Hiệp định EVFTA rất quan trọng trong bối cảnh đặc biệt với Việt Nam hiện nay bởi hiệp định này sẽ giúp Việt Nam mở rộng thêm thị trường. EU là khối các nền kinh tế lớn cả về nguồn lực, dân số và nếu Quốc hội thông qua, Việt Nam sẽ có điều kiện thúc đẩy giao lưu rộng hơn và quan hệ đỡ gò bó hơn trong bối cảnh thị trường đang bị thu hẹp.
Ngoài ra, qua đại dịch COVID-19 có một số nước có xu hướng muốn kéo các nguồn đầu tư nước ngoài về nội địa để đảm bảo nền kinh tế tại nước đó ổn định. Chính vì vậy, nếu mở thêm được thị trường EU sẽ là cơ hội rất tốt đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu, Việt Nam đã xây dựng được hành lang rất thông thoáng nhưng quan trọng nhất các nước đang chạy bằng ô tô phân khối lớn, động cơ mạnh, công nghệ mới nhưng Việt Nam lại đang thiếu.
Hiện nay, Việt Nam đang chủ động ở một số lĩnh vực như nông nghiệp, đa số các lĩnh vực khác vẫn chưa làm chủ được công nghệ. Đơn cử như chế biến chế tạo, điện tử, dệt may vẫn đang phải nhập khẩu nguyên vật liệu.
Thời gian tới, Việt Nam phải tiếp nhận cơ hội này để tiếp nhận và làm chủ công nghệ để tránh cảnh làm thuê mới có thể chạy đua với các nước tiên tiến. Đồng thời, khi tham gia Hiệp định EVFTA Việt Nam sẽ phải sửa đổi luật liên quan. Theo đó, Việt Nam sẽ phải sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm và thậm chí phải rà soát tiếp xem còn chỗ nào vướng phải thông suốt.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải nâng vị trí, năng lực, công nghệ và quản lý để sản phẩm tốt, rẻ, có năng suất lao động tốt. Các nước EU có thế mạnh về thiết kế, thương hiệu thì doanh nghiệp nên tận dụng để nâng cao năng lực của chính bản thân trong cuộc cạnh tranh này.
* Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre): Thiếu sự tương tác của đại biểu

 

Họp trực tuyến có hai vấn đề, một là giai đoạn hậu COVID-19 mong muốn duy trì sự an toàn thời gian qua đã làm được.
Ngoài ra, đây là hình thức khẳng định việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các sinh hoạt Nhà nước, đặc biệt là Quốc hội thông qua đồng hành cùng các cơ quan khác để ứng dụng.
Đương nhiên, khi chuyển đổi hình thức sẽ có sự bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu. Dù có sự tập huấn và chuẩn bị khá tốt về phần mềm, phần cứng nhưng trong quá trình diễn tập hay tại khai mạc vẫn có những trục trặc từ hai phía.
Thứ nhất là trục trặc do chạy phần mềm chưa thống suốt, các đại biểu chưa thành thạo nhưng  hôm nay quá trình họp diễn ra đảm bảo tốt. Quá trình tương tác giữa các điểm cầu với hội trường rất tốt.
Chẳng hạn như các đại biểu phát biểu từ Tp. Hồ Chí Minh hay Cần Thơ đều giống như đang nghe trên hội trường bởi tại hội trường không ai ngoái lại nhìn con người đó mà cũng chủ yếu nhìn trên màn hình.
Mặc dù hiện nay chưa đến giai đoạn biểu quyết nhưng mọi hoạt động khác đều suôn sẻ, tổ chức cho đại biểu đăng ký từ ban đầu.
Tuy nhiên, họp trực tuyến lại mất đi cơ hội để các đại biểu tương tác bởi tương tác trong hội trường, giờ giải lao và quá trình họp rất quan trọng.
Các đại biểu có thể trao đổi các vấn đề về chuyên môn, giúp nhau giải quyết về chuyên môn hay cách hiểu về điều luật cũng như xử lý liên quan đến kỹ thuật hay hiểu biết xã hội. Tất cả những điều đó được xem như thiệt thòi với các đại biểu tại địa phương. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục