Bên lề Quốc hội: Không để tăng lãi suất tác động đến dòng vốn doanh nghiệp

14:47' - 27/10/2022
BNEWS Nếu tăng mạnh lãi suất thì cũng có thể dẫn đến tác động không nhỏ đến quá trình phục hồi kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV ngày 27/10, các đại biểu đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng lãi suất điều hành thêm 1% là một trong những biện pháp giữ cho lạm phát không tăng quá cao.

Nhưng nếu tăng mạnh lãi suất cũng có thể dẫn đến tác động không nhỏ tới quá trình phục hồi kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Dùng gói hỗ trợ 2% giảm áp lực tăng lãi suất 

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng lãi suất điều hành thêm 1% là cần thiết để điều hành nhịp nhàng giữa tỷ giá với lãi suất nhằm mục đích ổn định tỷ giá, cũng như bảo đảm yêu cầu chống lạm phát như các nước đang làm. Bởi, nếu dùng biện pháp bán ngoại tệ để giữ tỷ giá, Nhà nước sẽ không thể đủ lượng ngoại tệ lớn dự trữ và lúc đó buộc phải nâng giá đồng tiền bằng cách tăng lãi suất.

Việt Nam là nước có quan hệ xuất nhập khẩu với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc tăng lãi suất chắc chắn ít nhiều cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước. 

Hiện Chính phủ đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, trong chương trình phục hồi kinh tế-xã hội có gói cấp bù lãi suất 2% từ ngân sách cho những nhóm ngành được ưu tiên, các ngành hướng vào phục hồi. Đây là chính sách giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về việc tăng lãi suất trong bối cảnh khó khăn chung. 

*Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội): Khó khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh áp lực lạm phát trên toàn thế giới tăng cao và lạm pháp ở trong nước cũng lớn, việc tăng lãi suất điều hành là biện pháp quan trọng, góp phần kiềm chế lạm phát. Bởi, tăng lãi suất điều hành được xem một trong những biện pháp để tăng giá trị đồng tiền. 

Tuy nhiên, khi đồng tiền ở trong nước cao hơn, doanh nghiệp sẽ cân nhắc nhiều hơn tới kế hoạch sản xuất kinh doanh. Điều này tác động gián tiếp làm thu hẹp nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp tùy theo hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành, ngân hàng thương mại cũng đồng loạt nâng trần lãi suất huy động và rục rịch tăng lãi suất cho vay. Động thái này khiến việc khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp trở nên khó khăn. Trong bối cảnh doanh nghiệp phải trả lãi suất vay cao có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.  

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh): Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp 

Khi các định chế tài chính trên thế giới đều đã có động thái tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát, Việt Nam cũng buộc phải có sự điều chỉnh tương ứng để phù hợp với thị trường. Nếu không sẽ gặp khó khăn trong điều hành chính sách tài khóa, cũng như bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. 

Đối với doanh nghiệp, việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay khiến doanh nghiệp đã khó lại càng khó trong việc tiếp cận nguồn vốn. Nhất là các doanh nghiệp khởi sự hoặc sắp mở rộng sản xuất kinh doanh. Trường hợp này, doanh nghiệp buộc phải quản lý chặt các chi phí đầu vào, chi phí trung gian làm sao để kiểm soát giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh. 

Tới đây, Chính phủ cần có nhiều giải pháp tiết giảm chi phí vô hình, chi phí hành chính, chi phí gia nhập thị trường để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục