Bên lề Quốc hội: Những trở ngại lớn trong cổ phần hóa doanh nghiệp

14:11' - 08/06/2022
BNEWS Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, bất ổn thị trường chứng khoán và định giá đất đai, xử lý vấn đề nhà đất đang là trở ngại rất lớn trong cổ phần hóa doanh nghiệp.

Sáng 8/6, bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, bất ổn thị trường chứng khoán và định giá đất đai, xử lý vấn đề nhà đất đang là trở ngại rất lớn trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

*Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội): Định giá đất đai và xử lý nhà đất đang là trở ngại lớn

Tôi cho rằng, về vấn đề về cổ phần hóa; trong đó, có vấn đề về định giá đất đai và xử lý nhà đất đang là trở ngại rất lớn và cũng là nơi phát sinh nhiều tiêu cực nhất trong quá trình cổ phần hóa.

Để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa trong thời gian tới, Chính phủ cần có những văn bản minh bạch hơn và cần có kỷ luật thực thi tốt. Tôi đề nghị, Chính phủ cần tách riêng nội dung cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, quy trình thoái vốn không đề cập tới định giá, quyền sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bởi, yếu tố này không nằm trong quy trình cổ phần hóa của doanh nghiệp. Bởi, trước hay sau cổ phần hóa, phần đất vẫn là của nhà nước mà nhà nước giao cho doanh nghiệp sử dụng, trong quá trình chuyển đổi diện tích đó sang mục đích khác thì phải thực hiện theo đúng quy trình.

Cho nên, tách bạch được 2 quá trình đó, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn với việc định giá hay chuyển đổi giá trị sử dụng đất, việc tách ra sẽ tạo được thuận lợi hơn cho quá trình chuyển đổi.

Còn việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thị trường chứng khoán, đây một trong những vấn đề tạo nên sự trở ngại, sự thiếu minh bạch, không thuận lợi và cũng là một trong những cản trở để tạo nên những tiêu cực trên thị trường chứng khoán. Bộ trưởng Bộ Tài chính cần có những chỉ đạo quyết liệt hơn để có thể nâng cấp, khắc phục năng lực quản lý; đồng thời, hoàn thiện các quy chế, chấn chỉnh, tăng cường năng lực quản lý của các tổ chức này..

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

*Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Thao túng, đầu cơ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn

Thị trường chứng khoán đang có phát triển đáng kể nhưng cũng có những chiêu trò thao túng, đầu cơ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. Tôi đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường này, Bộ Tài chính cần có những công cụ, bộ chỉ báo để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán; đồng thời, cần có giải pháp để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Trước đó, trả lời chất vấn tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực trạng cổ phẩn hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn rất chậm. Vướng mắc nhất là xác định giá trị doanh nghiệp và phương án sử dụng đất; bên cạnh đó, rủi ro pháp lý cao nên các cơ quan chủ quản ngại phê duyệt phương án, các doanh nghiệp quyết tâm không cao nên tình hình “dậm chân tại chỗ”.

Trước các nút thắt về mặt pháp lý cần được hoàn thiện đảm bảo cho vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng cho rằng phải có 1 mục tiêu hay nguyên tắc để thực hiện vấn đề cổ phần hóa theo hướng: đối với những những doanh nghiệp dưới 5% vốn của nhà nước nên cổ phần hóa hết, để các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện sản xuất, kinh doanh chủ động; nếu nhà nước là tham gia vốn thì nhà nước phải điều hành được.

Đối với những doanh nghiệp quản trị tốt, làm ăn tốt, giải quyết được việc làm, giữ được vai trò điều tiết cho các nền kinh tế thì nên giữ và nên tăng cường năng lực hoạt động; đồng thời, trong quá trình cổ phần hóa, cần quản lý chặt chẽ đất đai...

Về bong bóng trong thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng chỉ ra rằng, những năm vừa qua thị trường chứng khoán phát triển tương đối tốt, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 21,1% so với cuối năm 2021, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 8,1% so với bình quân năm 2021.

Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Để khắc phục tình trạng này, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục