Bến Tre điều chỉnh cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường

11:27' - 21/11/2022
BNEWS Tỉnh Bến Tre đang tập trung triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, đây là cơ sở quan trọng để ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre phát triển mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, xác định sản xuất nông nghiệp tiếp tục là trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội, tới đây, địa phương chủ trương tổ chức thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nhà nước sẽ giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng; định hướng xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, Bến Tre tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của quốc gia và của tỉnh, kết hợp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nhằm tạo lòng tin của sản phẩm trên thị trường.

Đặc biệt, tỉnh điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng tiểu vùng. Ngoài ra, địa phương chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hoặc chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao hơn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh và nông nghiệp hữu cơ.

Cùng đó, Bến Tre phát triển mạnh các vật nuôi chủ lực, có điều kiện và khả năng phát triển, phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân như bò thịt, lợn, gia cầm....; trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giống và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi; khuyến khích, hỗ trợ các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với sản phẩm chủ lực; tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái và đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường.

Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa phương và phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Đến năm 2025, tỉnh phát triển thêm ít nhất 7 hợp tác xã, xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt diện tích 450 ha (trong 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho hay, đến nay, toàn tỉnh có 50 tổ hợp tác, 59 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Đặc biệt, các loai cây trồng lúa, cây ăn trái, rau màu, cây dừa, cây giống- hoa kiểng được cơ cấu lại theo hướng tập trung, liên kết theo chuỗi, sản xuất sạch, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, chuỗi dừa có 32 tổ hợp tác, 28 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị dừa với quy mô hơn 6.404 ha và 6.905 thành viên. Tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên hơn 17.187 (chiếm 22,2% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh); trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 9.736,83 ha. Chuỗi bưởi da xanh, có 7 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp đầu ra, với diện tích hơn 374 ha...

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo quy chuẩn sạch, an toàn, tập trung, xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, sản xuất sạch theo tiêu chuẫn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu

Đến nay, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP với hơn 18.185 ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; có 5/8 sản phẩm chủ lực được xây dựng chỉ dẫn địa lý; cấp 45 mã vùng trồng với diện tích hơn 614 ha nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục