Bến Tre triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh

13:41' - 28/02/2017
BNEWS Bến Tre những năm gần đây, nuôi tôm càng xanh ngày càng được nhiều nông dân lựa chọn để chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bến Tre triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Tôm càng xanh là loài thủy sản nước ngọt nhưng vẫn sống được trong môi trường có độ mặn dưới 10‰. Tôm càng xanh cũng ít bị dịch bệnh mà giá thành lại cao hơn các loại tôm khác vì thế ở Bến Tre những năm gần đây, nuôi tôm càng xanh ngày càng được nhiều nông dân lựa chọn để chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sớm xác định vùng đất mình đang sinh sống sẽ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, năm 2012, ông Nguyễn Văn Đoàn, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú đã từ bỏ cây lúa, mía và kiên trì theo đuổi mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong vườn dừa.

Tuy nhiên, hiệu quả nuôi tôm càng xanh không cao. Năm 2015, được sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre ông Đoàn chuyển sang nuôi tôm càng xanh toàn đực. Hiện ông Đoàn luân canh 3 vụ tôm trong năm với tổng diện tích gần 8.000 m2 mặt nước.

“Khi tôi chuyển hướng nuôi giống tôm càng xanh toàn đực của Viện nghiên cứu thủy sản II, đem lại năng suất hết sức cao. Trung bình 10.000 con tôm toàn đực, bỏ chi phí hết lãi cũng từ 25 – 30 triệu đồng”, ông Đoàn cho biết.

Ông Đoàn cũng cho biết thêm con tôm càng xanh chịu được bóng mát, chịu được độ mặn 5-6‰ vẫn phát triển tốt mà không ảnh hưởng đến cây dừa. Thấy ông Đoàn nuôi tôm càng xanh hiệu quả, bà con ở gần nhà ông đều chuyển đổi toàn bộ sang tôm càng xanh xen mương vườn dừa hoặc nuôi bán thâm canh. Hiện nay, các hộ này không còn nuôi riêng lẻ mà thành lập tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh. Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh toàn đực ấp Xương Thới 3 có 52 hộ, diện tích mặt nước là 19,2ha.

Ở Bến Tre, thời gian gần đây mô hình nuôi tôm biển đang gặp khó khăn do vấn đề dịch bệnh, giá thành không ổn định nên nhiều hộ nuôi tôm ở Bến Tre tìm đến với mô hình nuôi tôm càng xanh.

Tuy nhiên, việc nuôi tôm càng xanh không đạt hiệu quả cao do trong một quần đàn tôm càng xanh, tỷ lệ tôm cái thường chiếm trên 50%, do tham gia sinh sản nên tôm nuôi chậm lớn, từ đó năng suất nuôi thấp, chính vì thế thời gian nuôi thường kéo dài từ 9-10 tháng. Trong khi đó tôm càng xanh đực tăng trọng nhanh hơn tôm càng xanh cái trong cùng một điều kiện nuôi.

Vì thế nên từ năm 2015, ngành khuyến nông tỉnh Bến Tre đã triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh trên địa bàn tỉnh ở các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam để sớm triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh nhằm giảm vấn đề dịch bệnh, tăng năng suất cho người nuôi tôm.

Theo ông Trần Kim Sơn, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, trước đây ở ấp nhiều gia đình vì khó khăn kinh tế nên tiến hành nuôi tôm nhưng đa số là nuôi tôm thẻ chân trắng. Kết quả không cao, nhiều người thất bại nặng nề nên chuyển hướng sang con tôm càng xanh toàn đực. Ở đây là giai đoạn đầu tiên thử nghiệm nên hiệu quả một số người đạt, một số người đạt chưa cao lắm nhưng không lỗ lả như tôm thẻ chân trắng.

“Trước đây nuôi tôm thẻ chân trắng được 3 năm cũng có trúng nhưng trúng ít hơn thất (lỗ). Thất nhiều lắm. Năm rồi có chương trình của Trung tâm Khuyến nông cho tôm càng xanh toàn đực nuôi thí điểm. Tôi cũng nuôi thử một ao, cũng hiệu quả, ít rủi ro lắm, lời cũng được 45-46 triệu đồng, năm nay thấy "ngon" quá nên nuôi thêm hai ao nữa”, ông Trần Quang Trung, xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú phấn khởi chia sẻ.

Hiện nay, nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mà thời gian nuôi tôm càng xanh toàn đực rút ngắn thời gian còn khoảng 6-7 tháng, vừa giảm được chi phí, thời gian nuôi vừa nâng cao được giá trị con tôm.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn để nuôi tôm càng xanh hiệu quả cần chú ý đến việc bấm càng của con tôm. “Khi 3 tháng tuổi phải bấm càng tôm để hạn chế thấp nhất tôm lên càng dây. Nếu tôm lên càng dây sẽ bị thương lái ép giá, tuột xuống hạng ba”, ông Đoàn chia sẻ.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực đã được Trung tâm khuyến nông tỉnh Bến Tre triển khai ở các huyện Thạnh Phú, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam... Toàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 2.100 ha diện tích nuôi tôm càng xanh trong đó có gần 40.000m2 nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh, xen mương vườn dừa, xen trong ruộng lúa. Ước tính mỗi năm sản lượng tôm càng xanh ở Bến Tre khoảng 1.100 tấn. Gía bán dao động khoảng từ 150.000 – 450.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ.

Ông Châu Hữu Trị, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre cho biết mỗi héc ta nuôi tôm càng xanh toàn đực bán công nghiệp cũng thu lợi nhuận về trên dưới khoảng 100 triệu đồng/ha, an toàn về dịch bệnh, an toàn về chất lượng vệ sinh thực phẩm.

Nuôi tôm càng xanh toàn đực không sử dụng thuốc và hóa chất như nuôi tôm biển, nên không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của các loài thủy hải sản khác. Tôm càng xanh toàn đực có thể sống, sinh trưởng tốt trong nguồn nước có độ mặn từ 4 - 6‰, là đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình rất ý nghĩa trong thời gian tới, đặc biệt là phù hợp với các điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với phong tục tập quán, khả năng đầu tư của nông dân cũng như hình thức canh tác, tiến bộ khoa học kỹ thuật nông dân ở Bến Tre có thể hoàn toàn áp dụng được.

“Ngoài ra tỷ suất lợi nhuận ở đây cũng khoảng từ 80-100%, điều này rất lý tưởng. Và chúng tôi nhận thấy rằng trong tương lai tiềm năng của con tôm càng xanh toàn đực bán công nghiệp, mương vườn dừa, nuôi trong ruộng lúa sẽ là loài thủy sản phát triển bền vững, ổn định của Bến Tre”, ông Trị nhấn mạnh.

Do khả năng chịu mặn tốt (sinh trưởng bình thường ở độ mặn từ 0-6‰) nên tôm càng xanh là đối tượng thủy sản nuôi rất thích hợp ở những vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Về lâu dài ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre sẽ triển khai nhân rộng mô hình trên cả ba vùng mặn, lợ, ngọt nhằm giúp người dân nơi đây hình thành phương thức canh tác thích ứng với vấn đề xâm nhập mặn-biến đổi khí hậu để nâng cao thu nhập, và cũng là phương cách giúp người dân phát triển kinh tế bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục