Biến đất cằn thành “vàng mười”

08:30' - 01/11/2015
BNEWS Chuyện về những người phụ nữ táo bạo biết biến nguồn vốn từ ngân hàng chảy vào nhà mình không còn là chuyện hiếm.

Đó luôn là những tấm gương sáng ở nơi người dân chỉ quen với “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Khu trang trại tổng hợp của chị Lê Thị Tâm nằm ở thôn Tân Trang, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị ngút ngàn sắc xanh và tiếng gia cầm inh ỏi đòi ăn. Đón tiếp chúng tôi trong một buổi chiều gió Lào rát bỏng, gương mặt rám nắng của người phụ nữ 58 tuổi đầy nghị lực lấm tấm mồ hôi nhưng luôn tươi cười, mến khách.

Chị Tâm ôn tồn kể, Quảng Trị không phải nơi chôn rau cắt rốn của chị nhưng là vùng đất gắn bó với chị suốt những năm chị phục vụ trong quân ngũ. Sau khi rời quân ngũ năm 1990, chị nghĩ mình còn sức khỏe và muốn làm điều gì đó cho nơi này và cho chính bản thân mình. Và chị đã chọn Cam Lộ làm quê hương thứ hai của mình.  

Làm thế nào để biến “những đồi sim không đủ quả nuôi người” ở vùng đất cằn khô này thành trang trại với lợn, gà no ấm? Ý nghĩ ấy luôn thường trực và thôi thúc chị Tâm vượt qua bao trở ngại.

Bởi khi ấy vừa rời quân ngũ, đất đai không có, vốn cũng ít nên chị Tâm chỉ biết làm ăn nhỏ lẻ và nuôi ước mơ. Sau hơn chục năm chăm chỉ làm lụng chị cũng dành dụm được một khoản tiền kha khá. Năm 2011, chị làm liều mua 10 hec ta đất tại thôn Tân Trang, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ để làm trang trại.

Một góc trang trại của chị Lê Thị Tâm. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS

Gia đình chị biết chuyện đã phản đối kịch liệt. Hầu hết mọi người đều cho rằng đây là ý nghĩ viển vông và khó có thể thành hiện thực ở vùng đất cằn sỏi đá này. Bà con xóm làng cũng ngăn cản chị, họ cho rằng ở đây quá lâu rồi, nhưng chưa bao giờ thấy có vũng nước nào đọng lại sau mùa mưa thì nói gì đến chăn nuôi, trồng rừng.

Nhưng điều đó không làm người phụ nữ này nản lòng, trái lại quyết tâm của chị càng cao. Cuối cùng, gia đình đã cùng đồng hành, đóng góp thêm vốn, động viên chị thực hiện ước mơ.

Tuy nhiên, kinh phí huy động không đủ để xây dựng trang trại theo mong muốn của chị. Đúng lúc ấy thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ đã kịp thời cho chị vay 1,25 tỷ đồng. Nhờ số vốn ngân hàng đầu tư vào đã giúp chị xây dựng thành công trang trại tổng hợp khép kín gồm chuồng trại chăn nuôi và trồng các loại cây ăn quả.  

Bên ấm chè xanh, gương mặt cương nghị của người phụ nữ ngoại ngũ tuần lấm tấm mồ hôi nhưng vẫn rất nhiệt tình ôn lại ký ức. Chị tâm sự, dường như định mệnh đã gắn chị với vùng đất này. Những năm còn trong quân ngũ, mỗi lần về quê Thanh Hóa nghỉ phép, chưa hết phép chị đã muốn trở lại Quảng Trị. “Như một mối nhân duyên ấy, về quê chưa hết phép đã thấy khó chịu trong người và như có điều gì đó thôi thúc tôi sớm trở lại nơi đây”, chị Tâm trải lòng.

Dù phản đối quyết định ở lại Quảng Trị của chị Tâm nhưng từ khi gia đình biết chị có nhân duyên với vùng đất này, họ lại thấy thương chị nhiều hơn. Dù nơi này bất kỳ người thân nào của chị đến thăm cũng đều lắc đầu ngao ngán bởi khí hậu khô cằn, khắc nghiệt. Chị Tâm kể, những dịp nghỉ hè, con cháu từ quê có thời gian nghỉ dài vào Quảng Trị thăm hỏi. Ban đầu họ có ý định ở chơi khoảng 1 tháng, nhưng sau 10 ngày là muốn trở lại quê nhà bởi khí hậu nơi đây khắc nghiệt quá. Có người cháu lắc đầu xót xa: “Thế này mà dì cũng ở được ?”.

chị Lê Thị Tâm bên đàn gà của mình. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS

Với một tình yêu với vùng đất từng gắn bó, giấc mơ xây dựng trang trại của chị Tâm hơn 10 năm đã trở thành hiện thực. Bây giờ, trang trại của chị đã có quy mô lớn với 1.000 con lợn thịt; 30 lợn nái siêu nạc; 50 lợn nái rừng; 300 con chó lai; 2.300 con gà, ngan, vịt; 2 hồ thả cá các loại. Ngoài ra, chị còn trồng thêm 100 gốc thanh long ruột đỏ; 500 cây bơ; 3 héc ta tràm, 1 héc ta cỏ để nuôi bò...

Mỗi năm chị đã thu lãi được 300 triệu đồng từ trang trại. Khoản tiền chưa lớn lắm nhưng đã cho chị niềm tin để tiếp tục gắn bó với miền đất này và nuôi tiếp giấc mơ chinh phục đất cằn. Sắp tới, chị Tâm mong muốn đầu tư thêm một trang trại giống lợn nái siêu nạc có thương hiệu để phân phối giống cho bà con trên địa bàn huyện Cam Lộ.

Giống như chị Tâm, chị Nguyễn Thị H hiện đang sinh sống tại xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cũng bạo dạn rời quê hương Sơn Tây (Hà Nội) cùng chồng con lên Yên Bái thực hiện giấc mơ làm giàu.

Với nước da ngăm đen rắn rỏi, người phụ nữ gần 40 tuổi sang sảng kể về sự liều lĩnh ngoạn mục của vợ chồng chị khi bỏ phố lên rừng. Vừa kể chuyện làm ăn chị vừa một mực đề nghị các nhà báo khi đăng bài không được nêu tên. Chị khiêm tốn nói, ai ở vào hoàn cảnh của mình chắc cũng sẽ làm được thế. Chính vì thế nên việc vợ chồng chị đang làm là điều hết sức bình thường.

Chị tâm sự, Sơn Tây không phải miền quê nghèo nhưng vợ chồng chị vẫn quyết tâm bán hết tài sản, đất đai lên Yên Bái như đến với miền đất hứa. “Nhưng nhìn tôi thế này thôi, chứ lúc đầu mới lên nhiều khó khăn lắm các nhà báo ạ”, mắt nhìn xa xăm, chị H tâm sự.

Khi bắt tay vào làm, vợ chồng chị có một chút vốn đủ để mua đất làm trang trại và được Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam bao tiêu con giống, đầu ra. Tuy nhiên, càng làm càng thấy “khát vốn” để làm lớn và chị đã tiếp cận được vốn ngân hàng.

Chị H tâm sự: “Lúc bắt đầu làm cũng lo, sợ thất bại. Một là được hai là ra trắng tay. Nhưng tôi nghĩ mình làm trên đất của mình, việc mình làm là mạo hiểm, liều lĩnh nhưng là liều có cơ sở. Bởi đã được Công ty CP bao tiêu đầu vào, đầu ra, vốn thì được ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi. Cũng đã nghĩ đến tình huống xấu xảy ra như dịch bệnh nhưng tính toán kỹ thì cũng chỉ mất khoảng 3 hoặc 4 tháng là có thể khôi phục được”.

“Tuy nhiên cũng phải nói rằng nếu không vay vốn ngân hàng chắc vợ chồng tôi không làm được. Phải có nợ mới lo làm để trả nợ”, chị H nói. Nhờ nguồn vốn này, vợ chồng chị đã mở rộng được trang trại. Từ chỗ ban đầu chỉ nuôi được vài trăm con lợn nay trang trại của chị đã có tới hơn 600 con lợn. Giờ với trang trại lợn, mỗi tháng thu được hơn 300 triệu, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng.
Dường như với người phụ nữ này, những gì chị đã đạt được là chưa đủ, giấc mơ làm giàu vẫn còn đau đáu. Chị bảo, hy vọng năm sau các nhà báo trở lại đây vợ chồng chị sẽ có thêm một khu chăn nuôi nữa để khoe.

Chia tay chúng tôi, chị H không quên nhắc nhở: “Các nhà báo nhớ đừng đưa tên thật của tôi lên báo nhé. Tôi chỉ là người phụ nữ bình thường. Cứ có sức khỏe, có quyết tâm là sẽ làm được”./.

Đỗ Huyền/BNews/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục