Bình Định xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất rừng

14:12' - 10/06/2022
BNEWS Trong 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra 9 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích gần 29.000 m2, tập trung tại các huyện An Lão, Hoài Ân và Vĩnh Thạnh.

Để khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra tại một số địa phương, nhất là các huyện miền núi và trung du, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

 

Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh trường hợp lợi dụng để phá rừng trái pháp luật.

Các địa phương và ngành chức năng khẩn trương kiểm tra hiện trường, xác minh, điều tra làm rõ các vụ phá rừng trái pháp luật; chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ hủy hoại rừng để răn đe các đối tượng vi phạm; buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu, thu hồi diện tích rừng và đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các chủ rừng xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng; thành lập các tổ công tác tiến hành truy quét bảo vệ rừng đột xuất tại các điểm nóng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao đời sống, thu nhập người làm nghề rừng; huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp, tiêu thụ nông, lâm sản của tỉnh nhằm giảm áp lực lên rừng.

UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân sống trong rừng, ven rừng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ rừng; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng.

Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định; đẩy nhanh quá trình đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Ban Quản lý rừng, đóng mốc ranh giới để tránh xảy ra lấn chiếm, tranh chấp, chồng lấn.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm trong việc điều tra truy quét các điểm nóng phá rừng; tham gia chốt chặn và phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; sớm khởi tố vụ án, bị can để xét xử trước pháp luật, đảm bảo sự nghiêm minh đúng quy định để giáo dục, răn đe.

Văn bản cũng nêu rõ: Địa phương nào để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn mà không phát hiện và tổ chức ngăn chặn kịp thời thì chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra 9 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích gần 29.000 m2, tập trung tại các huyện An Lão, Hoài Ân và Vĩnh Thạnh; 6 vụ vi phạm khai thác rừng trái pháp luật; 56 vụ vi phạm mua, bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép. Các vụ việc vi phạm về rừng đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn cử ngày 2/3/2022, lực lượng chức năng huyện Vĩnh Thạnh đã phát hiện 2 xe ô tô vận chuyển gỗ trái pháp luật với tổng cộng trên 8,2 m3 gỗ xẻ, loại gỗ dổi, thuộc nhóm III. Tổ công tác lập biên bản và đưa toàn bộ tang vật, phương tiện về xử lý.

Mở rộng điều tra hiện trường khai thác tại tiểu khu 168 xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh), lực lượng chức năng phát hiện có 3 cây gỗ dổi bị khai thác trái pháp luật và đã cưa xẻ, vận chuyển khỏi hiện trường. Đến ngày 21/3/2022, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh ra quyết định khởi tố vụ án.

Mới đây, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã giao Thanh tra tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ diện tích, vị trí, đối tượng chặt phá cây rừng và lấn chiếm 9,16 ha đất rừng trồng tại các tiểu khu thuộc xã Vĩnh Hảo và xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) để trồng xen cây hằng năm. Đây là diện tích rừng trồng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý./.

>>>Sẽ cưỡng chế gần 100 hộ dân lấn chiếm đất rừng tại Đắk Nông

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục