Bình Dương ưu tiên phục hồi sản xuất, giải ngân vốn

18:03' - 21/07/2023
BNEWS Tính đến ngày 20/7, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh Bình Dương là 6.783 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch tỉnh giao và đạt 55,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 
Ngày 21/7, tại Kỳ họp lần thứ 11 HĐND tỉnh Bình Dương Khóa X đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã đăng đàn trả lời nhiều nội dung quan trọng; trong đó, lĩnh vực vốn đầu tư công và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phục hồi tăng trưởng đang được đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm.

 
Theo ông Võ Văn Minh, tính đến ngày 20/7, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh Bình Dương là 6.783 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch tỉnh giao và đạt 55,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy tỷ lệ giải ngân vốn tương đương so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị giải ngân tuyệt đối gấp gần 2,5 lần.

Một số dự án trọng điểm được bố trí vốn lớn như giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 cơ bản phấn đấu hết quý 3 giải phóng xong. Về đường vành đai 3 đến nay đã chi 2.600 tỷ đồng để giải tỏa đền bù và tạo được quỹ đất sạch khởi công 2/4 gói đầu tư.

Theo ông Võ Văn Minh với tiến độ đạt được tới đây việc khởi công thêm 2 gói thầu nữa sẽ đạt yêu cầu tiến độ chung của dự án với giá trị giải ngân vốn đầu tư công rất lớn.

Ông Võ Văn Minh cho biết với đặc thù của kế hoạch đầu tư công năm 2023 là tổng vốn lớn 21.793 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2022; tỷ lệ vốn bố trí cho các công trình trọng điểm chiếm gần 70% (chủ yếu là giải phóng mặt bằng và bắt đầu giải ngân trong tháng 6/2023); bên cạnh đó còn một số vướng mắc về di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước...)

Tại Kỳ họp này, UBND tỉnh cũng đã trình nội dung về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 2023; tuy nhiên theo yêu cầu nhiệm vụ và sự lãnh đạo thống nhất của Tỉnh ủy, nội dung đầu tư công sẽ không thông qua tại kỳ họp này; UBND tỉnh sẽ tiếp tục cùng các sở, ban ngành, địa phương, các chủ đầu tư rà soát, cập nhật, điều chỉnh và hòàn thiện trình tại kỳ họp HĐND chuyên đề đầu tháng 8/2023.

Trước mắt, tỉnh yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư khẩn trương giải ngân vốn các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm (Vành đai 3, Vành đai 4, Quốc lộ 13, ĐT746,...) và thi công các dự án có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm; phối hợp di dời các hạng mục cơ sở hạ tầng (điện, nước, viễn thông…)

Ông Võ Văn Minh cho biết thêm về hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường đang là ưu tiên của tỉnh. Cụ thể, do từ quý III/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như tồn kho tăng, khó tiếp cập vốn, chi phí lãi vay cao, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thanh lý tài sản để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, giữ chân người lao động, khách hàng, đối tác.

Với tinh thần trách nhiệm cao, UBND tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, “xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền tỉnh, xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”. Theo đó, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và Tổ giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án bất động sản thường xuyên lắng nghe nhiều chiều, chủ động tháo gỡ những khó khăn thuộc thẩm quyền.

Cùng với đó, các ngành, các cấp chủ động rà soát, phân loại tình hình hoạt động của từng nhóm doanh nghiệp, từng doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ tích cực với tinh thần sẻ chia, cầu thị; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm xuất khẩu của tỉnh; kịp thời, đầy đủ các chính sách của Trung ương hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hạn chế thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chưa thật sự cần thiết...

Trả lời chất vấn về nhóm giải pháp phục hồi sản xuất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn chia sẻ, có 3 vấn đề hiện nay đối với doanh nghiệp đang cần là vốn, nhân lực kỹ thuật và thị trường. Qua 6 tháng đầu năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh giảm đến hơn 17%,  cho thấy thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp, tỉnh đã cho ra đời tổ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp; theo đó hàng ngày đưa những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để bàn thảo với các sở, ngành để giải quyết từng sự việc.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Toàn, doanh nghiệp trước đây làm ăn với các thị trường truyền thống xuất sang Mỹ và châu Âu; tuy nhiên do ảnh hưởng xung đột của thế giới khiến 2 thị trường này bị ảnh hưởng mạnh.

Để chuyển hướng mở thị trường, Sở đã xúc tiến kết nối các thị trường khác như Ấn Độ, Nam Mỹ…đưa hàng đi tham dự các đợt xúc tiến, đến nay đã có tiến triển tốt, tăng tỷ trọng xuất khẩu vào những thị trường này. Những sản phẩm công nghiệp nông thôn cũng được Sở chú trọng đã đưa lên trang web của Sở liên kết với các trang lớn về chuỗi cung ứng trên thế giới như Alibaba.com. Qua đó tăng khả năng tiếp cận kết nối với cộng đồng doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ tạo ra chuỗi cung ứng rộng mở.

Tuy nhiên, ông Toàn vẫn bày tỏ nhiều băn khoăn bởi chi phí logistics trong nước hiện nay tăng đến 13%, trong khi thị trường Đông Nam Á là 12%. Vì vậy, cần có giải pháp thiết thực để qua đó giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.

Tới đây, tỉnh đẩy mạnh hình thành cảng logistics như Cảng An Tây và tập trung các tuyến giao thông trọng điểm kết nối vùng như đường vành đai 3 và 4... nhằm  kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi hạ tầng, tạo động lực cho hệ thống logistics tiếp tục phát triển; trong đó, tạo thuận lợi thông thương hàng hóa nhằm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục