BioNTech chuẩn bị cho “cú nổ lớn” tiếp theo

06:30' - 08/08/2021
BNEWS Công ty dược phẩm BioNTech muốn sử dụng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất vaccine ngừa COVID-19 để khởi động bước tiếp theo trong kế hoạch phát triển công nghệ vaccine sử dụng vật liệu di truyền mRNA.

Theo nhật báo Le Soir của Bỉ, lần này, BioNTech chỉ muốn làm một mình và trở thành một trong những “ông lớn” trong ngành.

Cho đến thời điểm này, đại dịch vẫn chưa nhìn thấy hồi kết. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 200 triệu người mắc bệnh sốt rét mỗi năm, và khoảng 400.000 người trong số đó, chủ yếu là trẻ em, tử vong vì căn bệnh này. 

Căn bệnh truyền nhiễm thường lây truyền qua muỗi này chủ yếu lây lan ở các quốc gia nhiệt đới mới nổi và đang phát triển. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao ngành công nghiệp dược phẩm cho đến nay không sẵn sàng phát triển vaccine phòng ngừa sốt rét. Hơn nữa, vaccine không mang lại nhiều lợi nhuận nhất.

Nhưng BioNTech muốn tạo ra sự khác biệt. Công ty có trụ sở tại Mainz, Đức này đã trở nên nổi tiếng trên thế giới với vaccine ngừa COVID-19, hiện đang muốn đầu tư lợi nhuận thu được trong những tháng gần đây vào việc phát triển vaccine phòng sốt rét. 

Đó là tuyên bố của Tổng Giám đốc và người đồng sáng lập công ty Ugur Sahin gần đây. Đồng thời, BioNTech mong muốn không phải phụ thuộc vào các đối tác trong ngành dược phẩm trong việc sản xuất và phân phối sản phẩm của mình và vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Tham vọng của kế hoạch này có thể so sánh với dự án "Lightspeed", khi đó BioNTech đã phát triển vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian kỷ lục vào năm ngoái. Cho đến nay, chỉ có một loại vaccine phòng ngừa sốt rét trên thị trường do các phòng thí nghiệm của nhà sản xuất vaccine GSK (Anh) phát triển với hiệu quả khoảng 30%. * Chiến lược tăng trưởng.

Ông Ugur Sahin tin rằng BioNTech có thể làm được nhiều việc hơn nữa bằng cách sử dụng công nghệ mRNA. Phát biểu trong một cuộc họp báo do Ủy ban châu Âu (EC) và WHO tổ chức, ông nhấn mạnh "công nghệ mRNA có tiềm năng đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến chống lại các mầm bệnh khó khác". Các thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2022.

Nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến kế hoạch chống bệnh sốt rét trở nên thú vị. Đây cũng là dự án lớn đầu tiên mà BioNTech thực hiện kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và đang thực hiện một mình, không có sự trợ giúp của một đối tác lớn như Pfizer (Mỹ).

BioNTech mong muốn tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất ở châu Phi và thực hiện một bước tiến mới hướng tới mục tiêu mà ông Ugur Sahin và vợ ông là bà Özlem Türeci (cũng là người đồng sáng lập BioNTech) đã đặt ra vài năm trước. Đó là phát triển công ty thành một tập đoàn công nghệ sinh học độc lập với một mạng lưới toàn cầu, nhưng có xuất xứ từ Đức.

Trên thực tế, nhờ sự thành công của vaccine ngừa COVID-19 đồng phát triển với Pfizer, BioNTech đang tăng trưởng nhanh hơn bao giờ hết kể từ khi được thành lập vào năm 2008. Trong một năm rưỡi, số lượng nhân viên của công ty đã tăng từ 1.300 người lên đến hơn 2.000 người.

BioNTech đã mua lại nhà máy Marburg từ tập đoàn dược phẩm Thụy Sỹ Novartis cách đây 8 tháng để tăng tốc sản xuất vaccine, đồng thời tuyển khoảng 300 nhân viên mới. Trong những tháng tới, việc mở rộng quy mô hoạt động sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ chóng mặt. Công ty đang cần tuyển dụng khoảng 500 vị trí, liên quan đến tất cả các bộ phận.

Gần đây, ngoài các bộ phận nghiên cứu và sản xuất, bộ phận công vụ, với nhiệm vụ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các chính phủ, cũng đã được mở rộng. Bộ phận truyền thông đang được phát triển nhiều hơn, đây là một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi đang diễn ra. Bởi BioNTech chỉ duy trì một trang web từ năm 2014 và mới bắt đầu có một nhóm truyền thông chuyên nghiệp kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2019. *Giảm sự phụ thuộc vào đối tác lớn

Điều quan trọng, đây là lần đầu tiên BioNTech đầu tư vào việc xây dựng đội ngũ bán hàng của riêng mình, với khoảng 60 nhân viên tại Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, để đẩy nhanh thời gian triển khai các sản phẩm đã được phê duyệt. Sự lựa chọn này không phải là ngẫu nhiên. Ở hai quốc gia này, công ty nắm giữ bản quyền tiếp thị độc quyền đối với vaccine ngừa COVID-19.

Trong tương lai, điều này sẽ cho phép BioNTech giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác lớn. Đối với các công ty công nghệ sinh học nhỏ, câu hỏi làm thế nào để họ có thể tiếp thị sản phẩm sau khi được ủy quyền là rất quan trọng. Thông thường, việc hợp tác với một tập đoàn dược phẩm là điều cần thiết, vì nhiều doanh nghiệp nhỏ không có đủ bí quyết và đội ngũ nhân viên cần thiết.

Sierk Poetting, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc khai thác, vận hành cho biết, ngay từ đầu, BioNTech đã muốn trở thành một công ty tích hợp hoàn toàn: “Chúng tôi có các ban nghiên cứu và phát triển, sản xuất, và bây giờ là đội ngũ bán hàng của riêng mình".  

Mục tiêu của BioNTech là có thể sản xuất nguyên liệu thô hoặc sản phẩm chính cũng như các sản phẩm thứ cấp điều trị ung thư một cách hoàn toàn độc lập. Các phòng ban mới sẽ dần được tạo ra tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của sản phẩm.

Chiến lược tăng trưởng mở rộng đến các vị trí lãnh đạo. Ban Giám đốc của BioNTech đã tăng từ bốn lên sáu thành viên trong 18 tháng qua. Lãnh đạo mới nhất của BioNTech là cựu Giám đốc của Fresenius (một công ty chăm sóc sức khỏe của Đức), Jens Holstein, và cũng là một gương mặt quen thuộc trong ngành. 

Ngoài ra, BioNTech còn có một cựu giám đốc ngân hàng đầu tư trong hàng ngũ của mình và đã sẵn sàng bổ sung lãnh đạo ở tất cả các cấp cho các bước phát triển tiếp theo.

Trong tương lai, BioNTech dự kiến sẽ mở một nhà máy tại Singapore, nơi đặt trụ sở của nhà đầu tư Temasek, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất vaccine ở châu Á. “Chúng tôi đang tăng năng lực sản xuất của mình khi cần thiết,” ông Sierk Poetting giải thích về chiến lược quốc tế của BioNTech.

Mới đây, công ty đã mua lại một nhà máy dược phẩm khác từ nhà sản xuất Kite của Mỹ, nơi các liệu pháp điều trị ung thư tích hợp với thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ sẽ được ra mắt. 

Mục tiêu của BioNTech là phát triển một mạng lưới sản xuất thuốc điều trị ung thư và vaccine bằng công nghệ mRNA toàn cầu và sẽ tiếp tục phát triển sau thời kỳ đại dịch. Các nhà máy sẽ nằm ở châu Phi, châu Á hay châu Âu, và điều cốt yếu là chất lượng vaccine phải được đảm bảo “dù là nơi nào sản xuất”.

Quá trình đầu tư, nghiên cứu và sản xuất một loại vaccine phức tạp đến mức ngay cả các công ty dược phẩm lâu đời cũng cần vài tháng để điều chỉnh hoạt động sản xuất của mình. 

BioNTech đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các công nghệ của riêng mình và thực hiện nhiều thập kỷ nghiên cứu. Giám đốc Sierk Poetting nhấn mạnh rằng nền tảng mRNA là kết quả của công việc kỹ thuật được thực hiện ở cấp độ vi mô, “nếu không có đầu tư, những đổi mới này sẽ không tồn tại". 

Ngày 9/8 sắp tới, công ty sẽ công bố số liệu kinh doanh trong nửa đầu năm. Các nhà phân tích đang kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận của BioNTech sẽ tăng trưởng tích cực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục