Bộ ảnh “Hai người lính” – thông điệp về khát vọng thống nhất và hòa hợp dân tộc

08:07' - 17/05/2023
BNEWS Nhà báo - Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào ngày 19/5 tới với tác phẩm ảnh “Hai người lính”.

Nhà báo - Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Trưởng Ban biên tập Ảnh - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là một trong số các tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào ngày 19/5 tới với tác phẩm ảnh “Hai người lính” - những bức ảnh thể hiện khát vọng thống nhất, hòa hợp dân tộc và chứa đựng tư tưởng nhân văn của người Việt Nam.

Nhà báo - Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành. Ảnh: TTXVN
Trong căn phòng lưu giữ đầy ắp kỷ niệm ở ngõ Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhà báo Chu Chí Thành đã chia sẻ về những câu chuyện xúc động xung quanh tác phẩm ảnh lịch sử này.

* Câu chuyện về “Hai người lính"

Bộ ảnh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay của Nhà báo Chu Chí Thành là tác phẩm ảnh “Hai người lính”, được ông chụp vào mùa Xuân năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Bộ ảnh gồm 4 bức: “Tay bắt mặt mừng” với hình ảnh một nhóm người gồm quân Giải phóng, nữ du kích và lính quân đội Cộng hòa vui vẻ, tươi cười bắt tay nhau; “Hai người lính” với hình ảnh chiến sỹ quân Giải phóng Nguyễn Huy Tạo, người Hà Nội và anh lính Cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa người Sài Gòn khoác vai nhau thân thiện; “Cầu Quảng Trị”, với hình ảnh về cây cầu Quảng Trị đổ nát - nơi mà những người lính của hai bên chiến tuyến từng giáp chiến; “Những bàn tay lưu luyến” là hình ảnh về những người lính Sài Gòn được trả tự do và các chiến sỹ Giải phóng lưu luyến vẫy chào nhau trên sông Thạch Hãn mùa Xuân năm 1973.

Những con người này hôm trước còn bắn nhau mà hôm sau họ lại đón tiếp nhau như người thân (Long Quang, Quảng Trị mùa xuân năm 1973). Ảnh: Chu Chí Thành-TTXVN
Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời bộ ảnh lịch sử, Nhà báo Chu Chí Thành kể, sau ngày ký Hiệp định Paris, ông được lãnh đạo TTXVN cử đi công tác với hai nhiệm vụ: Một là chụp ảnh về cuộc trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn - cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam; hai là đi thị sát và ghi lại hình ảnh, đưa tin về việc thi hành Hiệp định Paris ở Quảng Trị.

Trong khi chờ đợi các cuộc trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn, có những ngày nghỉ, Nhà báo Chu Chí Thành và đồng nghiệp tranh thủ đi đến vùng giáp ranh để xem xét tình hình. Hôm đó, đoàn công tác đến vùng giáp ranh ở chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tại đây, ông đã rất bất ngờ khi thấy một tốp lính Sài Gòn đi qua "giới tuyến" sang địa phận quân Giải phóng chơi. Khi tốp lính Sài Gòn sang, mấy anh bộ đội của ta ra đón. Họ hồ hởi nói chuyện với nhau. Rồi những người lính Sài Gòn vui vẻ bắt tay với các cô du kích của xã Triệu Trạch.

Nhà báo Chu Chí Thành chia sẻ, đó là một khoảnh khắc rất bất ngờ, rất khác so với suy nghĩ trước đó của ông. Hình ảnh anh lính Cộng hòa mập mập, mặc áo phanh ngực, dáng vẻ ngổ ngáo, khoác vai một anh lính Giải phóng đội mũ tai bèo, đến bắt tay với các nữ du kích dân quân ở địa phương khiến ông vừa ngạc nhiên, vừa thích thú. Ông giơ máy ảnh lên bấm máy, ghi lại hình ảnh các chiến sỹ quân Giải phóng, nữ du kích của ta “tay bắt mặt mừng” với những người lính Cộng hòa trong không khí vui vẻ, như chưa từng có sự phân chia thù địch.
Trong không khí vui vẻ ấy, một anh lính Sài Gòn đã khoác vai một người lính Giải phóng và đề nghị: "Anh nhà báo ơi, anh chụp cho em một kiểu ảnh với anh lính Giải phóng". Trong sự ngỡ ngàng, Nhà báo Chu Chí Thành đã ngay lập tức chụp lại khoảnh khắc hai người lính khoác vai nhau, bức ảnh “Hai người lính” lịch sử được ra đời như vậy.

Cũng ngày tháng ấy trên sông Thạch Hãn, Nhà báo Chu Chí Thành lại được chứng kiến và ghi lại hình ảnh những tù binh Sài Gòn được trả tự do, khi ngồi trên thuyền rời bờ Bắc về Nam. Nhiều người đã quay lại vẫy chào "phía đối phương" và các chiến sỹ Giải phóng cũng rất vui vẻ vẫy chào lại. Hình ảnh đó có thể thấy, những người lính hai phía ở bến sông này có cùng tâm trạng như những người lính ở tuyến giáp ranh, sâu thẳm trong lòng họ đều là đất nước quê hương và tình nghĩa đồng bào, ruột thịt…

Nhà báo Chu Chí Thành cho biết, ngày ấy chụp ảnh xong, ông về tráng phim, rửa ảnh, ghi chú thích chia sẻ câu chuyện và gửi về Hà Nội. Hết đợt công tác, trở lại cơ quan, thấy bức ảnh chụp hai người lính không được sử dụng, ông đã xin lại bức ảnh và cẩn thận lưu giữ trong bộ sưu tập cá nhân của mình.

Bẵng đi mấy chục năm, đến năm 2007, Nhà báo Chu Chí Thành tổ chức triển lãm ảnh cá nhân. Đó là triển lãm “Những thời khắc không quên” tại Hà Nội và triển lãm “Ký ức chiến tranh” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc này, bức ảnh “Hai người lính” được ông giới thiệu tại hai triển lãm này và in sách. Ngay lập tức, tác phẩm “Hai người lính” nhận được sự hoan nghênh, khen ngợi của rất nhiều đồng nghiệp trong giới nhiếp ảnh Việt Nam. Nhiều người muốn biết về số phận của các nhân vật trong ảnh, đặc biệt là hai người lính. Sau nhiều lần tìm kiếm, năm 2015, chiến sỹ Quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo xuất hiện. Đến năm 2017, anh lính Cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa trong ảnh cũng xuất hiện.

45 năm sau, vào tháng 1/2018, tỉnh Quảng Trị mời hai người lính và tác giả về thăm mảnh đất máu lửa năm xưa, dự lễ kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp định Paris. Tại Long Quang, hai nhân vật trong bức ảnh lịch sử lại bá vai nhau hồi tưởng chuyện xưa. Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành một lần nữa lại chụp được bức ảnh hai người tái ngộ.

* Khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc

Nhớ lại cảm xúc của mình khi chụp bức ảnh lịch sử, Nhà báo Chu Chí Thành chia sẻ, trong bối cảnh chính trị lúc đó, hình ảnh hai người lính ở hai bờ chiến tuyến khoác vai nhau thân mật là một hiện tượng rất lạ. Đó chính là biểu tượng của khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Khi đó, ông có niềm tin chắc chắn rằng chiến tranh sắp kết thúc. Ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi.

“Tôi đã từng sống dưới làn bom đạn của 12 ngày đêm Mỹ ném bom B52 ở Khâm Thiên. Tôi cũng đã từng nhiều lần suýt chết trong những trận bom B52 tại Vĩnh Linh, Vĩnh Thủy, Quảng Trị… từng tận mắt chứng kiến vô vàn sự tàn khốc của chiến tranh. Chính vì vậy, khi nhìn thấy hình ảnh hai người lính ở hai bờ chiến tuyến - những người mà ngày hôm qua có thể vẫn cầm súng chĩa vào nhau, nhưng hôm nay đã khoác vai nhau trò chuyện vui vẻ, thân ái như người nhà… tôi thực sự xúc động. Giây phút đó, tôi biết rằng, chúng ta đã có thể an tâm sống trong hòa bình. Và tôi bấm máy cũng trong niềm hân hoan đó”-  Nhà báo Chu Chí Thành xúc động chia sẻ.

Nói về lý do đưa tác phẩm ảnh “Hai người lính” đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà báo Chu Chí Thành cho biết, khi chứng kiến hai người lính khoác vai nhau thân mật, ông nghĩ rằng, khát khao được sống trong hòa bình là mong ước của tất cả mọi người. Và tác phẩm ảnh “Hai người lính” minh họa và thể hiện rất rõ tinh thần nhân văn sâu sắc của người Việt Nam, như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, là “người trong một nước thì thương nhau cùng”… Giải thưởng Hồ Chí Minh được trao tặng cho tác phẩm này đã khẳng định sự công nhận của Đảng, Nhà nước về tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc mà Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đã lựa chọn.

Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cũng là người đồng nghiệp cùng đi trong chuyến công tác năm đó với Nhà báo Chu Chí Thành cho rằng, hình ảnh về “Hai người lính” mang dấu ấn lịch sử, phản ánh khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc trong một hoàn cảnh điển hình. Tác phẩm đã thể hiện sự nhạy bén, cái nhìn có chiều sâu, nhân văn của Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành. Giải thưởng Hồ Chí Minh trao tặng cho tác phẩm này là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của một nhà báo lão thành cho sự nghiệp nhiếp ảnh, ngành thông tấn nước nhà và là niềm vui chung của bạn bè, đồng nghiệp…

Nhà báo - Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành vốn là sinh văn Khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp. Năm 1966, TTXVN cần tuyển một số phóng viên để đào tạo và đưa vào phục vụ chiến trường. Ông đã đăng ký và tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ của TTXVN. Kết thúc khóa đào tạo, ông được phân công về tổ ảnh quân sự - tổ ảnh mũi nhọn của TTXVN. Từ năm 1967 - 1973, phóng viên chiến trường Chu Chí Thành đã lăn xả khắp các trận địa cao xạ từ Hà Nội vào đến Quảng Bình, Vĩnh Linh… Ông đã chụp hàng ngàn bức ảnh với vô vàn khoảnh khắc sống động về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những bức ảnh của ông không chỉ thể hiện khát vọng hòa bình, thống nhất, hòa hợp dân tộc, mà còn dự báo ngày hòa bình mà còn chứa đựng cả tư tưởng nhân văn của người Việt Nam.

Năm 2012, nhà báo Chu Chí Thành từng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2012) với cụm tác phẩm “Từ ngục tối thắng lợi trở về”, gồm 4 bức ảnh: “Thoát khỏi ngục tù”, “Nghẹn ngào đón mừng các chiến sỹ thắng lợi trở về”, “Hạnh phúc của những người chiến thắng” và “Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng”. Bộ ảnh ghi lại hình ảnh về sự kiện trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn năm 1973 - những ngày đầu thi hành Hiệp định Paris. Tác phẩm ảnh “Hai người lính” cũng được ông chụp trong chuyến công tác tại Quảng Trị mùa Xuân năm 1973.

Năm 2023, tròn 50 năm sau khi tác phẩm ảnh “Hai người lính” ra đời, Nhà báo Chu Chí Thành - tác giả bức ảnh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - Giải thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đây cũng năm ông bà kỷ niệm 50 năm ngày cưới.

Chia sẻ cảm xúc của mình trước ngày nhận giải thưởng cao quý, Nhà báo Chu Chí Thành xúc động bày tỏ: “Tôi vô cùng vinh hạnh, tự hào và xúc động khi đứa con tinh thần của mình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - Giải thưởng cao quý nhất dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong sự vui mừng ấy, tôi không khỏi tự hào và biết ơn lãnh đạo cơ quan TTXVN, bởi chính TTXVN là nơi đã rèn luyện và đào tạo cho tôi trở thành người có ích cho đất nước”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục