Bộ Công Thương chỉ đạo nóng về xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường

14:03' - 15/08/2023
BNEWS Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15 tháng 8 năm 2023 về tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước.

Trước diễn biến khó lường của thị trường thương mại gạo toàn cầu, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 về việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước.

Để đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng tại địa phương phối hợp với cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình giá gạo. 

Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Đồng thời, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; phối hợp triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bộ trưởng giao Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, trình Chính phủ trong quý III năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg và của Chính phủ tại văn bản số 491/VPCP-KTTH ngày 31/1/2023.

Cùng đó, phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các Vụ thị trường ngoài nước, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới, tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo nội địa; tham mưu, đề xuất giải pháp phục vụ điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình mới; phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Mặt khác, tổng hợp thông tin từ Thương vụ về thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái cơ chế chính sách của các nước sản xuất, xuất khẩu gạo, báo cáo Lãnh đạo Bộ và thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả.

 

 

Triển khai Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các Vụ Thị trường ngoài nước, Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại quốc gia, vùng lãnh thổ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo để củng cố, mở rộng thị trường.

Mặt khác, làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt thông tin, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và hỗ trợ thương nhân xử lý vướng mắc trong trường hợp cần thiết.

Bộ trưởng đề nghị Cục Xúc tiến thương mại bố trí kinh phí cho các chương trình xúc tiến thương mại gạo trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hàng năm; tạo điều kiện để thương nhân khai thác hiệu quả lợi thế từ hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại đẩy mạnh cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và trợ giúp thương nhân xuất khẩu gạo trong trường hợp bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

 

 

Vụ Chính sách thương mại đa biên phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước đàm phán về mở cửa thị trường và biện pháp phi thuế quan với mặt hàng gạo để gỡ bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo; tận dụng tiến trình rà soát hiệp định đã thực thi để đề nghị đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch thuế quan cho sản phẩm gạo Việt Nam; xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ ngành gạo tận dụng hiệu quả FTA; thông tin về thuận lợi, khó khăn và lưu ý xuất khẩu gạo vào thị trường đã ký kết, tham gia hiệp định song phương và đa phương.

Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, trình Chính phủ theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định.

Bộ trưởng cũng lưu ý các Vụ thị trường châu Âu- châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi chỉ đạo Thương vụ theo dõi sát thông tin về thị trường, động thái cơ chế chính sách xuất khẩu, nhập khẩu khẩu gạo của nước sở tại. Ngoài ra, đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và thông báo tới Cục Xuất nhập khẩu cùng các đơn vị liên quan để triển khai việc điều tiết, điều hành, hỗ trợ cần thiết. 

Riêng các thị trường sản xuất, xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Campuchia, Hoa Kỳ… Thương vụ chủ động cập nhật tình hình mùa vụ sản xuất, giá gạo tiêu thụ; cung cấp tình hình xuất khẩu và động thái chính sách liên quan đến bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu; thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước.

Cập nhật việc thực hiện và kịp thời xúc tiến đàm phán gia hạn các bản ghi nhớ về thương mại gạo đã ký; tìm kiếm cơ hội ký kết thỏa thuận về thương mại gạo với thị trường mới, tiềm năng. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối được chỉ định thực hiện bản ghi nhớ thương mại gạo và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo khác tìm kiếm cơ hội xuất khẩu gạo tại các thị trường.

Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát thị trường, chủ động chỉ đạo Sở Công Thương  địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo chất lượng và cân đối cung cầu mặt hàng gạo tại thị trường trong nước. Hơn nữa đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương rà soát tình hình sản xuất thóc, gạo tới Bộ Công Thương về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch trên địa bàn. Đôn đốc doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để đảm bảo cung ứng cho thị trường; xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá thóc, gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước.  

Cùng đó, chỉ đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; phối hợp với đơn vị thuộc Bộ Công Thương tình huống phát sinh tại địa phương đề xuất giải pháp liên quan để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực; xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, ảnh hưởng đến uy tín gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường; thị trường trong nước (giá thóc, gạo nội địa, lượng gạo tồn kho,...) , chủ động phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đề xuất biện pháp xử lý đảm bảo an ninh lương thực và hiệu quả trong xuất khẩu gạo.

Cùng dó, chủ động đề xuất với Bộ Công Thương chương trình xúc tiến thương mại vào các thị trường và cách tiếp cận với từng thị trường cụ thể. Căn cứ đặc điểm thị trường, phương thức kinh doanh, nhập khẩu của đối tác, Hiệp hội Lương thực Việt Nam hỗ trợ, điều phối thương nhân xuất khẩu gạo tiếp cận phù hợp với từng thị trường.

Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Đặc biệt, theo dõi sát tình hình thương mại gạo thế giới, động thái của nước xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, trao đổi cùng Hiệp hội để xây dựng phương án tổ chức sản xuất, giao dịch, đàm phán đảm bảo hiệu quả xuất khẩu; tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn sở tại, góp phần bình ổn giá thóc, gạo nội địa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; bồi dưỡng nguồn lực làm nghiệp vụ xuất nhập khẩu, kỹ năng nắm bắt, khai thác thông tin thị trường, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục