Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nằm trong top giải ngân vốn đầu tư công cao,

17:08' - 03/08/2023
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giải ngân vốn trong 7 tháng năm 2023 của Bộ này đạt 3.720 tỷ đồng, tương đương 37,8% kế hoạch vốn được giao.

Nằm trong top các bộ, ngành giải ngân vốn đầu tư công cao, Bộ Nông ng:hiệp và Phát triển nông thôn tiếp đà giải ngân, liên tục đánh giá, phân loại dự án thành hai nhóm thuận lợi và khó khăn để nhanh chóng nhận diện vấn đề, tháo gỡ kịp thời vướng mắc, thúc đẩy các dự án tốt để riêng phần vốn đầu tư trong nước vượt kế hoạch đề ra.

 

Theo ông Phí Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải ngân vốn trong 7 tháng năm 2023 của Bộ đạt 3.720 tỷ đồng, tương đương 37,8% kế hoạch vốn được giao. Trong số đó, vốn trong nước đạt 36,7%; vốn nước ngoài đạt 42%.

Chiếm tỷ trọng vốn cao là các dự án chuyển tiếp từ trung hạn. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 9 dự án chuyển tiếp tiếp tục triển khai trong năm 2023.

Điển hình là 3 dự án lớn đã kéo dài nhiều năm qua, nay đã cơ bản được tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, dự án hồ chứa nước Cánh Tạng (Hòa Bình) mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư; dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Hồ chứa nước Krông Pách Thượng (Đắk Lắk) có khối lượng di dân lớn, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, Bộ cùng địa phương quyết tâm sẽ hoàn thành công trình đầu mối vào cuối năm nay.

Ngoài ra, dự án chiếm lệ vốn cao của ngành như Dự án Hồ Sông Chò 1 (Khánh Hòa) đang được thực hiện theo kế hoạch, đảm bảo kế hoạch đề ra và sẽ hoàn thành trong năm 2023. Hệ thống thủy lợi Khe Lại–Vực Mẫu 1 còn vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng đang được ngành cùng địa phương nỗ lực tháo gỡ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có các dự án thủy lợi, đê, kè với 141 dự án, dự án thành phần mở mới. Trong số đó, có 6 dự án dự kiến chưa thực hiện đầu tư giai đoạn này; 33 dự án đang triển khai thi công đáp ứng tiến độ đã được phê duyệt (khả năng giải ngân 2.624/ 2.362 tỷ đồng (110%) kế hoạch vốn đã giao; 102 dự án đang thực hiện chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị kỹ thuật: 92 dự án đã phê duyệt; 10 dự án dự kiến duyệt trong quý III/2023.

Trừ những dự án phê duyệt sau 30/6/2023, các dự án còn lại sẽ phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở và khởi công trong năm 2023 và đầu năm 2024, ông Tuấn thông tin.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2023, đối với dự án đã phê duyệt, ông Tuấn cho biết, Cục Quản lý xây dựng công trình sẽ tập trung tối đa để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế kỹ thuật, sớm tổ chức đấu thầu, khởi công dự án trong năm 2023. Triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay khi dự án đầu tư được phê duyệt.

Với các dự án chưa được phê duyệt, đơn vị sẽ cùng các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án. Đồng thời, rà soát, báo cáo Bộ trưởng dừng thực hiện các dự án không đủ điều kiện phê duyệt.

Trong quá trình triển khai các dự án, đơn vị tổ chức kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý chất lượng ngay từ đầu, nhất là khâu chuẩn bị kỹ thuật dự án, lường trước các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đảm bảo hạn chế tối đa phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Đặc biệt, Cục Quản lý xây dựng công trình có sự phân loại dự án ra thành 2 nhóm thuận lợi và khó khăn để có sự giám sát, thúc đẩy hiệu quả.  Như với nhóm thuận lợi sẽ đẩy nhanh quá trình thực hiện còn với nhóm khó khăn ngành thường xuyên họp giao ban rà soát, nhận diện các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân.

Hay những vướng mắc liên quan đến chậm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng hay việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương còn chậm dẫn tới khó khăn trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án, Bộ tích cực phối hợp với địa phương, đơn vị chuyên môn cùng tháo gỡ khó khăn trên.

Đặc biệt, Bộ “mạnh tay” chấn chỉnh các nhà thầu không đủ năng lực, có các biện pháp xử lý đối với nhà thầu vi phạm chất lượng, tiến độ. Bên cạnh đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công từng bước được tăng cường. Cơ bản chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, ông Tuấn thông tin.

Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý 9.852 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục