Bộ Tài chính đề xuất sửa mức phí bảo vệ môi trường một số loại khoáng sản

15:17' - 25/04/2022
BNEWS Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phó bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải đảm bảo mục tiêu, như: khắc phục những hạn chế của chính sách hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; bảo đảm thống nhất, tạo thuận lợi trong việc thực hiện phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Đồng thời, từng bước hạn chế tác động xấu đến môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. 

Tại dự thảo nghị định mới, mức phí bảo vệ môi trường phải căn cứ vào khối lượng chất thải ra môi trường và mức độ ô nhiễm trong quá trình khai thác khoáng sản gây ra. CÙng đó, bảo đảm việc khai thác khoáng sản được tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến.

Dự thảo cũng nêu rõ, việc quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường phải đúng quy định, hiệu quả thiết thực. Đối với một số nội dung cụ thể, tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP quy định khung mức phí đối với sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường từ 1.500 - 6.000 đồng/m3.

Hiện phí bảo vệ môi trường đối với khai thác sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường còn thấp, chưa khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế. Mức phí tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP kế thừa từ Nghị định số 74/2011/NĐ-CP. Từ năm 2011 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 40%, lương cơ bản tăng khoảng 80%.

Từ năm 2016 đến nay, giá tối đa tính thuế tài nguyên đối với cát đen tăng 100%, thì mức phí nêu trên đến nay không còn phù hợp. Nghị quyết số 02-NQ/TW của Trung ương đã nêu rõ, cần hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả.

Cùng với đó, việc khai thác cát, sỏi ở lòng sông, cửa sông, ven biển chưa quản lý chặt chẽ, gây bức xúc trong dư luận xã hội, do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát tổng thể chính sách tài chính về khoáng sản (gồm chính sách phí) đề xuất điều chỉnh chính sách tài chính phù hợp với thực tế, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông.

Do đó, tại dự thảo nghị định, để hạn chế khai thác manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả; khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; bảo đảm cho địa phương linh hoạt trong điều chỉnh mức thu phí, hạn chế ảnh hưởng đến giá vật liệu xây dựng trong bối cảnh dịch COVID-19, ảnh hưởng đến thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh tăng khung mức phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng, tăng 150% mức phí tối thiểu và mức phí tối đa tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; tăng cường quản lý khai thác khoáng sản, hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Theo thống kê, số thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hàng năm đã góp phần tích cực để địa phương bổ sung nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường tại nơi khai thác. Số thu phí năm 2017 là 3.029 tỷ đồng; năm 2018 là 3.448 tỷ đồng; năm 2019 là 3.737 tỷ đồng; năm 2020 là 3.576 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vấn đề như cần sửa đổi bổ sung một số nộ dung của Nghị định số 164/2016/NĐ-CP để xử lý vướng mắc phát sinh trong thực hiện, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục