Bộ trưởng Cao Đức Phát: Điều đáng lo ngại chính là ngành chăn nuôi

18:34' - 06/11/2015
BNEWS Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trong bối cảnh hội nhập, điều đáng lo ngại chính là ngành chăn nuôi, nhưng tôi tin Việt Nam vẫn có thể tìm ra cách duy trì sản xuất để tạo thu nhập cho nông dân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: TTXVN

Trải qua chặng đường 70 năm, dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng đứng trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng, ngành nông nghiệp Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, nông nghiệp Việt Nam sẽ phải làm gì để nắm bắt được những cơ hội.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Bộ trưởng cho biết, trải qua chặng đường 70 năm phát triển, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu gì?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trong suốt 70 năm qua, chính sự quan tâm thường xuyên sâu sắc của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể đã cho nền nông nghiệp nước ta phát triển và cải thiện nhanh đời sống của nông dân. Nông thôn nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc.

Tôi nghĩ rằng những thành tựu Đảng và nhân dân ta đạt được trong 70 năm qua trong lĩnh vực nông nghiệp là rất to lớn.

Trước hết, đó là làm thay đổi vị thế của người nông dân từ những người làm thuê, từ những người nghèo đói sang vị thế của những người làm chủ, có ruộng đất, có tư liệu sản xuất được áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa ngày càng hiệu quả hơn và đã có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Thứ hai, sản xuất nông nghiệp của nước ta từ một nền sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, hiệu quả thấp, tự cung tự cấp đã chuyển mạnh sang một nền sản xuất hàng hóa áp dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và có nhiều mặt hàng chiếm vị thế cao trên thị trường quốc tế, đem lại thu nhập cho nông dân và cho đất nước.

Thứ ba, bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi rất căn bản. Điều kiện cũng như đời sống tinh thần của người nông dân đã có những bước tiến vượt bậc. Đói nghèo giảm nhanh, việc giảm nghèo ở Việt Nam là một thành tựu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bộ mặt nông thôn nhiều đổi mới. Ảnh: TTXVN

PV: Hiện ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh tái cơ cấu và đây được coi như một cuộc cách mạng của ngành để bước sang một giai đoạn mới. Vậy, đâu là những việc cần phải làm ngay để nông nghiệp Việt Nam có thể giải quyết những khó khăn đã nhìn thấy trong thời gian qua?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Nền nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng chủ yếu phát triển sản xuất nguyên liệu thô và ở chừng mực nhất định thiếu sự gắn kết với thị trường.

Do vậy, khả năng cạnh tranh và hiệu quả của một số loại nông sản chưa cao và nông nghiệp phát triển kém bền vững; thu nhập của nông dân còn thấp.

Cơ sở hạ tầng và điều kiện vật chất, kỹ thuật của ngành ở nhiều nơi còn thấp kém làm cho ngành nông nghiệp phát triển kém bền vững.

Để giải quyết tồn tại lớn đó, trong giai đoạn tới ngành nông nghiệp phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất; trong đó một mặt tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ để kinh tế hộ lớn mạnh, chuyển sang sản xuất hàng hóa với hiệu quả cao hơn.

Nhưng mặt khác phải tập trung cao, nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn để liên kết và hỗ trợ nông dân, định hướng sản xuất theo sát các yêu cầu của thị trường. Đồng thời tổ chức chế biến và tiêu thụ nông sản có hiệu quả.

PV: Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng hợp tác xã kiểu mới nhằm giúp thoát khỏi kiểu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu. Về lĩnh vực này, chúng ta cần chú ý vấn đề gì khi xây dựng hợp tác xã, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Rõ ràng trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, cần phải có những hình thức phù hợp để liên kết nông dân trong những chuỗi sản xuất.

Để liên kết nông dân với doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất đó rõ ràng cần phải có những hình thức hợp tác của nông dân một cách phù hợp. Có thể là các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhưng nội dung hoạt động cũng như phương thức hoạt động của hợp tác xã phải được đổi mới.

Hợp tác xã, tổ hợp tác phải gắn trong các chuỗi giá trị và phải tập trung vào những khâu hỗ trợ cho việc tiêu thụ nông sản thay vì tập trung vào hỗ trợ giúp nông dân làm những dịch vụ cung ứng đầu vào.

PV: Trong điều kiện hội nhập sâu rộng quốc tế, bên cạnh những cơ hội, nhiều chuyên gia lo ngại ngành sẽ đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Bộ trưởng có nhận xét gì về những lo ngại này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Nông nghiệp nước ta chủ yếu vẫn là nông nghiệp của các hộ gia đình nông dân sản xuất nhỏ nên rất dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường.

Đáng lo ngại là ngành chăn nuôi. Ảnh: TTXVN

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, giảm thuế, tự do hóa thương mại, hàng hóa của các nước với giá rẻ có thể sẽ tràn vào thị trường trong nước. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân mà thu nhập ấy nó đã vốn rất nhỏ bé.

Việt Nam cũng có những mặt hàng đã, đang và sẽ có thể xuất khẩu hiệu quả cao hơn so với các nước khác. Ví dụ như lúa gạo, rõ ràng ngành lúa gạo trong nước có thể cạnh tranh hiệu quả với các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương như: Nhật Bản, Canada, Mehico, Malaysia.

Trong khối Đối tác xuyên Thái Bình Dương chỉ có Mehico sản xuất cà phê, rõ ràng cà phê của Việt Nam có thể cạnh tranh có hiệu quả với cà phê của Mehico.

Điều mà đáng lo ngại chính là ngành chăn nuôi, nhưng tôi hoàn toàn tin rằng với tinh thần sáng tạo, chủ động của nhân dân và với sự hỗ trợ tích cực thì Việt Nam vẫn có thể tìm ra cách làm đúng đắn và vẫn duy trì sản xuất để tạo thu nhập cho nông dân trong bối cảnh đó.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN (thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục