Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Biến khó khăn thành cơ hội để cơ cấu lại thị trường, ngành hàng

20:37' - 07/04/2025
BNEWS Chiều 7/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng lắng nghe ý kiến đề xuất, bàn giải pháp trước chính sách thuế suất của Mỹ.

Tại cuộc họp, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, Hoa Kỳ hiện là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng. Trước thông tin về mức thuế mới do Tổng thống Donald Trump đề xuất, một số đối tác nhập khẩu tại Mỹ đã yêu cầu tạm dừng đơn hàng, thậm chí hủy hợp đồng do lo ngại chi phí tăng cao. Trong khi đó, Hiệp hội Gia vị Hoa Kỳ cũng đã có văn bản gửi Chính phủ Mỹ, kiến nghị không áp thuế đối với các sản phẩm gia vị nhập khẩu từ Việt Nam.

“Trong trường hợp đàm phán về thuế không đạt được kết quả như kỳ vọng, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành chính sách hỗ trợ về lãi suất, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hồ tiêu – vốn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, đề nghị hệ thống ngân hàng thương mại gia hạn thời gian vay vốn, đồng thời áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho các ngành hàng nông sản xuất khẩu. Do chi phí lưu trữ hàng hóa dự báo sẽ tăng cao, cần sớm triển khai gói hỗ trợ mua tạm trữ để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp”, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam kiến nghị.

 
Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam cũng cho biết, khách hàng đã liên lạc với doanh nghiệp Việt Nam đề nghị xếp hàng nhanh trước thời điểm thuế áp thuế của Mỹ và đã có yêu cầu giá giảm. Các hợp đồng mới sẽ tạm ngưng, trầm lắng về vấn đề đàm phán mới. Đây tác động trước mắt, còn thiệt hại không thể nói hết được.

Hiệp hội Điều Việt Nam cũng cho biết, số lượng điều xuất khẩu sang Mỹ lớn, nhưng giá lại thấp hơn so với các ngành khác. Đây là đặc điểm khác biệt của sản phẩm điều xuất khẩu sang Mỹ. Với mong muốn đẩy mạnh phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng nên nhiều năm qua, hiệp hội đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường khác để tìm kiếm các thị trường giá trị cao, chất lượng cao.

Tuy tỷ trọng xuất khẩu cà phê Việt Nam lớn nhất là sang EU, sang Mỹ chỉ khoảng 6% nhưng ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), với mức thuế 46%, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ không nhiều nhưng sẽ mang tính chất ảnh hưởng dây truyền. Nếu cà phê Việt Nam và Brazil vào Mỹ chênh lệch nhiều thì việc cạnh tranh sẽ khó khăn.

“Nhân cơ hội này thì cà phê Việt Nam phải nâng cao chất lượng, sản phẩm cạnh tranh hơn. Doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường, nhiều doanh nghiệp đã tập trung vào thị trường châu Á, châu Phi, nhất là châu Á vì chi phí logistics thấp”, ông Nguyễn Nam Hải cho hay.

Ông Nguyễn Nam Hải cũng đề xuất cần có gói tín dụng hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trước bối cảnh mới.

Ở góc độ chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, chăn nuôi Việt Nam đang nhập siêu từ Mỹ. Việt Nam đang nhập khẩu con giống, công nghệ, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - thủy sản. Riêng mảng này Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 9-10 tỷ USD. Thuế sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu còn khoảng 20%, nếu tiếp tục giảm thuế thì chăn nuôi trong nước rất khó khăn.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp, hiệp hội đều bày tỏ sự tin tưởng vào Chính phủ trong quá trình đàm phán với phía Mỹ, đồng thời kỳ vọng có thể đạt được sự trì hoãn trong việc áp dụng mức thuế suất mới. Các doanh nghiệp cũng đề xuất cần có sự phân biệt rõ ràng về thuế suất với các nhóm hàng nông sản, thay vì áp dụng một mức thuế chung cho toàn bộ các mặt hàng.

Sau khi lắng nghe ý kiến, đề xuất và kiến nghị từ các hiệp hội và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Đảng, Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan đang nỗ lực tối đa để triển khai các giải pháp linh hoạt, hiệu quả, ứng phó với chính sách thuế quan mới từ Mỹ. Bộ trưởng khẳng định, không phải đến nay Chính phủ mới có động thái phản ứng, mà ngay từ thời điểm Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Việt Nam đã chủ động theo dõi và chuẩn bị cho những thay đổi chính sách thương mại từ phía Mỹ. Tuy nhiên, biểu thuế mới được phía Mỹ công bố vẫn khiến nhiều quốc gia bất ngờ.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, nông sản Việt Nam và Mỹ mang tính bổ trợ cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp, đồng thời đây là mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng Mỹ. Vì vậy, Việt Nam mong muốn Mỹ có cách tiếp cận và ứng xử hợp lý, phù hợp với quan hệ thương mại hai nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần chủ động tính đến kịch bản xấu nhất là phía Mỹ giữ nguyên quyết định áp thuế.

Bộ trưởng kêu gọi toàn ngành giữ vững sự bình tĩnh, linh hoạt, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các hướng dẫn từ bộ ngành và tiếp tục tham vấn ý kiến từ hiệp hội, doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động trong đàm phán với đối tác phía Mỹ, qua đó tạo tiếng nói chung nhằm tác động đến các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

Về giải pháp ứng phó, Bộ trưởng cho biết cần triển khai các biện pháp tổng thể, kết hợp giữa ngắn hạn và dài hạn, trong đó đặc biệt coi trọng các nỗ lực đàm phán. Quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ là không đối đầu, mà tăng cường đối thoại, hợp tác.

Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành. Các hiệp hội và doanh nghiệp cần phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất vì lợi ích chung của ngành hàng và đất nước. Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để cơ cấu lại thị trường, ngành hàng.

Các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục duy trì ổn định kế hoạch sản xuất nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu cho các ngành hàng chủ lực. Bộ Nông nghiệp và Môi trường tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường thay thế, nghiên cứu phát triển các sản phẩm đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật… nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao tính chủ động cho toàn ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục