Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác phòng chống bão số 6 tại Quảng Ngãi

17:04' - 09/11/2019
BNEWS Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa; chậm nhất đến trưa 10/11 phải hoàn tất công tác di dời đến nơi an toàn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tuyến kè biển xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN

Ngày 9/11, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống bão số 6 tại Quảng Ngãi.
Đoàn công tác đã đến kiểm tra tại tuyến kè biển Phổ Thạnh và cảng neo trú Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ. Đây là những khu vực có sóng lớn, nguy cơ xảy ra triều cường xâm thực các khu dân cư ven biển rất cao. Hiện tại, có gần 500 tàu thuyền đã vào cảng Sa Huỳnh neo trú an toàn. Các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản cạnh đó của người dân cũng được neo kiên cố tại vị trí ít bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt của tỉnh Quảng Ngãi trong công tác ứng phó với bão số 6; đề nghị địa phương không được chủ quan vì đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tổng rà soát tất cả các phương án.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tỉnh khẩn trương hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa; chậm nhất đến trưa 10/11 phải hoàn tất công tác di dời đến nơi an toàn. Đối với các tàu đang chạy sang vùng an toàn của Philippines tránh trú phải có văn bản gửi Bộ Ngoại giao để tham vấn, thường xuyên giữ liên lạc để nắm tình hình; phải rút kinh nghiệm ngay khi neo đậu sau “sự cố” của tỉnh Khánh Hòa trong cơn bão số 12 khi có tới 400 chiếc tàu bị chìm dù đã neo đậu kỹ lưỡng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một nhà dân ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN

Bộ trưởng nhấn mạnh, tỉnh phải phân công cụ thể những ai chịu trách nhiệm ở xã nào, cụm nào, vùng trũng nào và những điểm di dời dân đến, đặc biệt là các điểm sạt lở ở miền núi, sông suối có nguy cơ xảy ra lũ quét; phải sâu sát để giảm thiểu sự cố đáng tiếc xảy ra do chủ quan.
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính cho biết, toàn tỉnh hiện còn 189 tàu với 3.162 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Riêng khu vực quần đảo Trường Sa có 96 tàu với 2.290 lao động; đã liên lạc được tất cả các tàu. Các vùng trọng điểm có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão số 6 được xác định sơ bộ là huyện đảo Lý Sơn; các huyện phía Nam của tỉnh gồm: Đức Phổ, Ba Tơ, Mộ Đức, Minh Long, Nghĩa Hành và các xã bãi ngang ven biển. Tổng số hộ dân buộc phải di dời là 3.614 hộ với hơn 13.600 nhân khẩu.
Để ứng phó với bão số 6, tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn cho học sinh nghỉ học vào ngày 11/11; huy động tối đa lực lượng tại địa phương hỗ trợ nhân dân đối phó với mưa lũ; yêu cầu chủ các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện chủ động vận hành công trình theo đúng quy trình vận hành được duyệt và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và các khu dân cư vùng hạ du; tổ chức lực lượng thường xuyên trực kiểm tra và sẵn sàng phương án ứng cứu các công trình đê, kè, hồ chứa nước xung yếu.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính, tỉnh đã thành lập Sở chỉ huy tại 2 địa phương là Lý Sơn, Đức Phổ để huy động các lực lượng vũ trang, bộ đội biên phòng, công an… ứng trực, giúp dân di chuyển. Dự kiến, tới sáng 10/11 phải hoàn tất việc di dời 1.000 hộ dân đến nơi an toàn./.
Xem thêm:

>>Dự báo thời tiết 3 ngày tới: Từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa ảnh hưởng trực tiếp bão số 6

>>Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó khẩn cấp bão số 6

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục