Bộ trưởng Tài chính Anh cam kết “kế hoạch đáng tin cậy” để giảm nợ

06:09' - 02/10/2022
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng cam kết sẽ công bố một “kế hoạch đáng tin cậy" để giảm nợ chính phủ nhằm nỗ lực bảo vệ kế hoạch ngân sách đang gây tranh cãi và gây ra những bất ổn thị trường.

Theo kế hoạch “ngân sách nhỏ” được công bố hồi tháng trước, Anh đang đề xuất cắt giảm thuế lớn nhất trong 50 năm, bao gồm bãi bỏ thuế suất 45% đối với các khoản thu nhập trên 150.000 bảng Anh (162.000 USD).

 

Việc cắt giảm thuế, cùng với kế hoạch hỗ trợ các hóa đơn năng lượng đang tăng lên của các hộ gia đình, sẽ đòi hỏi chính phủ phải vay thêm 72 tỷ bảng Anh (77,7 tỷ USD) chỉ trong 6 tháng tới.

Điều này đã ngay lập tức gây ra phản ứng trên các thị trường tài chính, trong đó đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp chưa từng thấy so với đồng USD.

Bộ trưởng Kwarteng khẳng định vào tháng tới, Bộ Tài chính sẽ công bố "kế hoạch tài khóa trung hạn", trong đó vạch ra lộ trình nhằm giảm hoạt động đi vay, cùng với "các quy tắc tài khóa mới và cam kết kỷ luật chi tiêu".

Trong một bài báo do tờ Telegraph xuất bản vào cuối ngày 30/9, ông Kwarteng đã lưu ý rằng một dự báo đầy đủ do cơ quan giám sát tài khóa của đất nước, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cũng sẽ được công bố cùng với kế hoạch tài chính vào ngày 23/11.

Việc thiếu các dự báo từ OBR cũng được coi là một trong những nguyên nhân gây ra sự xáo trộn trên thị trường, sau khi công bố “ngân sách nhỏ” ngày 23/9, nhằm cắt giảm thuế cho những người giàu có nhất trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Tình hình này buộc Ngân hàng trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp để ổn định thị trường giữa lo ngại về sự sụp đổ của quỹ hưu trí ở Anh.

Các chính trị gia đối lập, các nhà phân tích độc lập và thậm chí một số nhà lập pháp đảng Bảo thủ đã đánh giá các kế hoạch này là liều lĩnh và phản tác dụng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kwarteng khẳng định gói ngân sách này là cần thiết để đưa Vương quốc Anh, vốn được cho là sắp rơi vào suy thoái, tăng trưởng trở lại.

Cùng thời điểm bài báo được xuất bản trực tuyến, cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P cho biết đã điều chỉnh triển vọng đối với Vương quốc Anh từ "ổn định" thành "tiêu cực".

Cơ quan này viện dẫn rủi ro rằng “tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh trở nên yếu hơn do môi trường kinh tế ngày càng xấu đi, hoặc nếu chi phí đi vay của chính phủ tăng hơn dự kiến".

Động thái này diễn ra vài ngày sau khi cơ quan xếp hạng Moody's cảnh báo rằng chiến lược tài khóa của ông Kwarteng là "tiêu cực" và có thể "làm suy yếu vĩnh viễn khả năng chi trả nợ của Vương quốc Anh".

Thủ tướng Liz Truss cũng đã phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt về gói kinh tế này. Sau gần một tuần im lặng, bà Truss đã phải đối mặt với một loạt các cuộc phỏng vấn của đài phát thanh BBC và truyền hình khu vực hôm 29/9.

Một cuộc thăm dò hôm 30/9 cho thấy 50% người dân Anh cho rằng bà nên từ chức, chưa đầy bốn tuần sau khi nhậm chức, trong khi tỷ lệ ủng hộ đối với “ngân sách nhỏ” chỉ ở mức một chữ số trong một số cuộc khảo sát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục