Bộ Y tế ra công điện triển khai giải pháp giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19

18:25' - 05/09/2021
BNEWS Ngày 5/9, Bộ Y tế đã có Công điện số 1323/CĐ-BYT gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về việc quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19 tại các địa phương trên.

Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, với sự quyết liệt của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cùng sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc, hy sinh quên mình của đội ngũ y, bác sỹ..., tình hình tử vong do COVID-19 trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến. Tuy nhiên, việc giảm tử vong còn chậm.

Thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu hàng đầu giảm tử vong do COVID-19, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ phận thường trực của Bộ Y tế ở phía Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo, bám sát tình hình, đề xuất các giải pháp.

Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung tăng cường hiệu quả công tác điều trị.

* Phát huy và nâng cao vai trò của trạm y tế xã, phường, thị trấn

Về bảo đảm thiết lập đủ cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Bộ Y tế nhấn mạnh, trên cơ sở diễn biến và dự báo tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, cần tiếp tục rà soát phương án thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 để khẩn trương, chủ động thiết lập, bổ sung, đầu tư và sẵn sàng hoạt động trong thời gian nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng theo hướng dẫn tại Quyết định 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

 
Bên trong một bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

 

Các địa phương huy động tối đa các cơ sở hiện có tại địa phương của nhà nước và tư nhân để lên phương án thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng. Ưu tiên, thiết lập từ những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn có để chuyển đổi công năng thành cơ sở điều trị COVID-19 tầng 2, tầng 3 của mô hình tháp 3 tầng.

Các địa phương phát huy, nâng cao vai trò của trạm y tế xã, phường, thị trấn và thành lập các Trạm Y tế lưu động, Tổ cộng đồng để triển khai quản lý, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà nếu vượt quá năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở địa phương.

Củng cố, kiện toàn và điều phối hiệu quả hoạt động hệ thống cấp cứu 115, xe vận chuyển người bệnh từ cộng đồng đến cơ sở thu dung, điều trị và giữa các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

* Bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu, hồi sức tích cực

Các địa phương bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu, hồi sức tích cực, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo các phương án bảo đảm công tác y tế, đặc biệt chuẩn bị cho tình huống xấu/nghiêm trọng xảy ra trong thời gian sớm nhất.

 
Quân đội triển khai trạm sản xuất oxy lưu động, mỗi hệ thống sản xuất oxy lưu động có công suất 40-60 bình oxy sang chiết loại 40 lít/ngày. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

 

Theo đó, tầng 1 bảo đảm tối thiểu có chai oxy khí đáp ứng nhu cầu xử trí cấp cứu cho người bệnh thở oxy qua mặt nạ, thở oxy gọng kính.

Tầng 2 bảo đảm tối thiểu có máy thở oxy dòng cao, máy thở không xâm nhập, chai oxy khí, bình oxy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hoá hơi để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh thở oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập cho người bệnh tiến triển nặng.

Tầng 3 bảo đảm tối thiểu có máy thở oxy dòng cao, máy thở không xâm nhập và xâm nhập, bồn oxy lỏng, đường khí nén, đường hút áp lực, dàn hoá hơi, bình oxy lỏng và chai oxy khí để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, hồi sức tích cực cho người bệnh nặng và nguy kịch.

Chuẩn bị và cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; được phép chuẩn bị và cung cấp các thuốc ngoài danh mục thuốc thiết yếu đã ban hành theo Quyết định 2626/QĐ- BYT ngày 28/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế để đáp ứng nhu cầu điều trị người mắc COVID-19 tại địa phương theo đề xuất của các bệnh viện thông qua hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện.

Trường hợp cần thiết được phép sử dụng vượt định mức vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ đã quy định tại các văn bản của Bộ Y tế để bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Chuẩn bị kịp thời các gói an sinh, gói thuốc điều trị ngoại trú khi triển khai điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Phân công UBND quận, huyện có trách nhiệm quản lý, hỗ trợ kịp thời các ca F0 trên địa bàn và theo dõi sát sao kết quả thực hiện việc chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

* Chủ động rà soát nguồn nhân lực của địa phương

Các địa phương bảo đảm nhân lực và năng lực chuyên môn theo các phân tầng.

Theo đó, chủ động rà soát nguồn nhân lực của địa phương, lập kế hoạch đào tạo, huy động nhân lực phù hợp với các phương án thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các chuyên khoa, chuyên ngành khác theo phương án đào tạo tại chỗ, đào tại tại các cơ sở tuyến trên để bảo đảm nguồn nhân lực và huy động tăng cường vào các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

Các cơ sở đào tạo cho bác sĩ về chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu xử trí, cấp cứu, điều trị cho người bệnh tại cơ sở tầng 1, 2, 3: tối thiểu các kỹ thuật cấp cứu cơ bản, truyền nhiễm, nội khoa cho bác sỹ tại tầng 1, 2 và kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao cho các bác sỹ hồi sức tích cực tại tầng 3.

Đào tạo cho điều dưỡng để đáp ứng yêu cầu theo dõi, chăm sóc người bệnh tại các cơ sở thuộc 3 tầng (cho những người chưa có kinh nghiệm về truyền nhiễm): điều dưỡng thuộc tầng 1 và 2 được đào tạo về theo dõi, chăm sóc người bệnh mức độ nhẹ, vừa; tầng 3 được đào tạo về kiến thức, thực hành kỹ thuật về theo dõi, chăm sóc người bệnh nặng, nguy kịch, người bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn.

Bên cạnh đó, tăng cường huy động nguồn nhân lực của các Bộ, ngành, cơ sở tư nhân, sự tham gia tích cực của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, sinh viên khối trường đại học sức khỏe, “thầy thuốc đồng hành”, người về hưu... cùng tham gia vào công tác tư vấn, quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2.

Có các hình thức động viên, chia sẻ và chế độ đãi ngộ cụ thể, phù hợp bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế, Quân đội, Công an và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2.

*Thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2

Các địa phương cần bảo đảm công tác chuyên môn chăm sóc và điều trị COVID-19, thực hiện cập nhật, triển khai, áp dụng các hướng dẫn chẩn đoán, chăm sóc và điều trị của Bộ Y tế đã ban hành.

 
Bình Dương mở rộng Bệnh viện dã chiến Thới Hòa lên 12.000 giường, thu dung hết F0 chuyển đến điều trị. Ảnh: TTXVN

 

Các cơ sở thu dung, quản lý, điều trị người mắc COVID-19 thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 (theo Quyết định 3646/QĐ-BYT ngày 31/7/2021), đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng người bệnh vào các khoa, buồng bệnh phù hợp và xử trí cấp cứu kịp thời.

Các cơ sở tại tầng 1 và 2 đánh giá nguy cơ, theo dõi sát diễn biến bệnh lý, phát hiện sớm, kịp thời các dấu hiệu diễn biến nặng của từng người bệnh, xử trí cấp cứu tại chỗ, liên hệ chuyển viện và bảo đảm chuyển viện kịp thời, an toàn, hạn chế tối đa trường hợp tử vong tại cơ sở ở tầng 1, 2 hoặc trên đường vận chuyển.

Đồng thời nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều trị ở 3 tầng, đặc biệt quan tâm cung cấp đủ lượng nước đưa vào cơ thể, bảo đảm chế độ dinh dưỡng, chế độ chăm sóc, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh và nhân viên.

Tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa giữa các cơ sở thu dung, quản lý điều trị COVID-19 tại 3 tầng. Thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác điều trị, chăm sóc tại 3 tầng, báo cáo Sở Y tế tỉnh, thành phố và Bộ Y tế.

*Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Các địa phương thiết lập hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa các cơ sở thu dung, quản lý, điều trị COVID-19 và hệ thống cấp cứu 115 về khả năng tiếp nhận và thông tin người bệnh để bảo đảm tiếp nhận, cấp cứu kịp thời người bệnh.

Các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị người bệnh.

Đảm bảo cung cấp thông tin và hướng dẫn cho người dân, người bệnh về thông tin liên lạc của hệ thống cấp cứu 115, y tế cơ sở, cơ sở thu dung, quản lý, điều trị COVID-19, mạng lưới thầy thuốc tình nguyện... để liên hệ được khi cần.

Bên cạnh củng cố công tác thống kê, báo cáo để có các thông tin và hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành được chính xác, kịp thời, các địa phương cập nhật theo dõi tình hình thu dung, theo dõi điều trị người bệnh tại các tầng và số giường trống để tiếp nhận người bệnh mới. Kiểm tra, đánh giá, phân tích công tác điều trị để rút kinh nghiệm, bài học và điều chỉnh kịp thời.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phân công cho các Ban, ngành liên quan triển khai nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra, đôn đốc; động viên khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt hoặc phê bình tập thể, cá nhân không thực hiện tốt. Bộ Y tế sẽ phối hợp kiểm tra việc thực hiện Công điện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục