Bộ Y tế "siết" quy định khám chữa bệnh dịch vụ, bệnh viện kêu khó

09:12' - 24/01/2018
BNEWS Lãnh đạo một số bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu các quy định mới này đi vào thực tế sẽ gây khó cho các bệnh viện.
Bộ Y tế "siết" quy định khám chữa bệnh dịch vụ. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Y tế đang tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Trong đó, quy định mức giá khám bệnh, giá giường bệnh, yêu cầu cụ thể về cơ sở vật chất đối với khu vực khám, chữa bệnh dịch vụ…

Tuy nhiên, lãnh đạo một số bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu các quy định mới này đi vào thực tế sẽ gây khó cho các bệnh viện.

Theo dự thảo, Bộ Y tế đề xuất giá trần khám bệnh theo yêu cầu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là 300.000 đồng. Đặc biệt, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được “siết” chặt hơn, phải được tổ chức thành khu riêng biệt.

Trường hợp không tổ chức thành khu vực riêng, các cơ sở y tế chỉ được tổ chức dịch vụ khi đáp ứng điều kiện như mỗi bàn khám không quá 45 bệnh nhân một ngày bao gồm cả khám có bảo hiểm y tế cũng như khám thông thường, không để người bệnh nằm ghép, đảm bảo đủ số giường cho người bệnh không sử dụng phòng theo yêu cầu…

Mặc dù đang quản lý 1.100 bệnh nhân nội trú nhưng chỉ với 800 giường bệnh, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những bệnh viện nổi tiếng với tình trạng quá tải từ lâu với tỷ lệ nằm ghép là 130%.

Theo bác sỹ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, do nhu cầu của một số bệnh nhân, Bệnh viện cũng đã bố trí 100 giường bệnh theo yêu cầu. Bên cạnh đó, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.500 lượt bệnh nhân khám ngoại trú. Tuy nhiên, do điều kiện mặt bằng và nhân lực hạn chế, bệnh viện mới chỉ kê được 30 bàn khám.

“Nếu theo quy chỉ khám 45 bệnh nhân/bàn khám/ngày thì còn khoảng 150 bệnh nhân không được khám. Chẳng lẽ bắt bệnh nhân phải quay về trong khi 75% bệnh nhân của chúng tôi đến từ các tỉnh khác?”, bác sỹ Diệp Bảo Tuấn băn khoăn.

Tương tự, với 12 máy siêu âm, hiện mỗi ngày bệnh viện này thực hiện siêu âm cho 70 bệnh nhân/máy siêu âm. Nếu so với quy định trong dự thảo chỉ 40 bệnh nhân/máy/ngày thì bệnh viện không thể thực hiện hết cho các bệnh nhân. “Điều này không những khiến cho bệnh nhân phải chờ đợi lâu mà còn ảnh hưởng đến kết quả điều trị”, bác sỹ Diệp Bảo Tuấn nhận định.

Như vậy, nếu chiếu theo quy định mới trong dự thảo thì dù quá tải nhưng Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh không thể mở thêm các khu khám dịch vụ bởi vướng các điều kiện như: diện tích phòng bao nhiêu mét vuông, trang thiết bị, vẫn còn tình trạng nằm ghép, khám quá 45 bệnh nhân/bàn…

Còn bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 thì cho rằng, việc “siết” các dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu là việc không cần thiết bởi khám bệnh dịch vụ ra đời là do nhu cầu của người dân muốn được chăm sóc, sử dụng dịch vụ y tế tốt nhất. Trong khi đó, do sự phát triển về kinh tế, xã hội, nhu cầu về khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân ngày càng tăng.

“Nếu siết như thế này thì đa số bệnh viện sẽ không đáp ứng được các quy định và việc khám chữa bệnh dịch vụ sẽ ngày càng thu hẹp. Một khi khám bệnh dịch vụ không đáp ứng yêu cầu thì người dân sẽ có xu hướng đi ra nước ngoài tìm dịch vụ chất lượng cao, gây ra sự chảy máu ngoại tệ không đáng có”, bác sỹ Trần Văn Khanh chia sẻ./.

>>> Hà Nội yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn ở tất cả cơ sở y tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục