“Bước chạy đà” của thị trường chứng khoán trước quý IV

11:34' - 29/09/2024
BNEWS Tuần giao dịch qua có thể xem là “bước chạy đà” khi VN-Index kiểm tra lại vùng đỉnh cũ.

Thị trường chứng khoán sẽ kết thúc quý III/2024 vào phiên giao dịch tới (30/9) để bước vào quý cuối năm. Đây cũng là giai đoạn thị trường đón nhận kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Thực tế, sau hơn 3 tháng giao dịch, VN-Index chạm lại ngưỡng 1.300 điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua (27/9). Giới phân tích nhận định, tuần giao dịch qua có thể xem là “bước chạy đà” khi VN-Index kiểm tra lại vùng đỉnh cũ. Mặc dù vậy, chỉ số đang đối diện với vùng kháng cự mạnh, do đó có khả năng áp lực chốt lời sẽ tăng cao trong những phiên sắp tới.

*Thanh khoản tăng vọt

Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) nhận định, tuần giao dịch vừa qua (từ 23 - 27/9) có thể xem là một bước “chạy đà” khi chỉ số kiểm tra lại vùng đỉnh cũ. Mặc dù VN-Index chưa thể thành công xuyên phá mốc 1.300 điểm, song cũng đã để lại nhiều dấu ấn tích cực. Đầu tiên là sự trở lại của thanh khoản. Thực tế, thanh khoản khớp lệnh tuần qua bùng nổ và vượt xa mức bình quân 20 phiên giao dịch trong 3 phiên cuối tuần.

Tiếp theo là vai trò của nhóm ngân hàng được thể hiện rõ nét trong tuần qua khi bứt phá mạnh về điểm số và chiếm đến 40% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Điểm đáng tiếc trong tuần qua là áp lực chốt lời có xu hướng gia tăng trong 2 phiên cuối tuần khiến thị trường chưa thể vượt đỉnh.

Sự phân hóa bắt đầu diễn ra khi áp lực chốt lời lan rộng ở một số nhóm ngành. Đóng cửa tuần giao dịch 23-27/9, chỉ số VN-Index ở mức 1.290,92 điểm, tăng 18,88 điểm so với cuối tuần trước đó.

 

Sau gần 3 tháng, thanh khoản thị trường có tuần bùng nổ, vượt 9,3% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE đạt 802 triệu cổ phiếu (tăng 21,66% so với tuần trước đó), tương đương 19,365 tỷ đồng (tăng 18,74%) về giá trị giao dịch.

Tuần qua thị trường có 3 phiên bật tăng mạnh, độ mở thị trường ghi nhận sắc xanh áp đảo với 13/21 nhóm ngành tăng điểm. Đóng góp lớn vào đà tăng của thị trường là các nhóm ngành vốn hóa lớn có tính lan tỏa cao như: Chứng khoán ( tăng 3,47%), ngân hàng (tăng 3,3%), thủy sản (tăng 2,55%)...

Ở chiều ngược lại, áp lực điều chỉnh vẫn phủ bóng lên những nhóm ngành: Hàng tiêu dùng ( giảm 2,21%), hàng không (giảm 2,02%), công nghệ viễn thông (giảm 1,64%), dược phẩm (giảm 1,02%)...

Khối ngoại bán ròng 498 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua. Tâm điểm bán ròng trong tuần qua là một số cổ phiếu như VIB (2.664 tỷ đồng), VPB (261 tỷ đồng), HPG (211 tỷ đồng)

CSI nhìn nhận, áp lực bán lại một lần nữa gia tăng mạnh ở mốc tâm lý 1.300 điểm, khiến VN-Index chưa thể chinh phục đỉnh cũ. Đóng cửa phiên cuối tuần thị trường đảo chiều giảm điểm nhẹ với thanh khoản ở mức cao (khối lượng khớp lệnh trên HOSE tăng 50,13% so với mức trung bình 20 phiên). Phiên giảm cuối tuần qua dù thanh khoản lớn, song biên độ giảm không lớn nên chưa đủ động lượng thể thay đổi xu hướng tăng điểm đã hình thành trong 3 phiên trước đó.

CSI cho rằng, xu hướng tăng điểm vẫn hoàn toàn chiếm thế chủ động, nhưng khả năng cao sẽ có nhịp chỉnh sau 2 lần VN-Index chưa thể chinh phục mốc tâm lý 1.300 điểm trong tuần qua.

Nhịp chỉnh có khả năng đưa VN-Index về vùng hỗ trợ 1.280 điểm. Dù vậy, chuyên gia từ CSI vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ vượt mốc tâm lý 1.300 điểm và hướng tới ngưỡng kháng cự 1.320 -1.330 điểm trong các tuần tới.

Ông Phạm Bình Phương, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, trong 2 phiên cuối tuần, VN-Index đã phụ thuộc nhiều vào diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng để tăng điểm. Có lẽ yếu tố này cũng khiến nhà đầu tư tỏ ra lo lắng và lựa chọn bán ra khi chỉ số vừa chạm ngưỡng tâm lý 1.300 điểm.

Quan sát khối lượng trong 3 phiên cuối tuần, ông Phạm Bình Phương lo ngại hơn là đánh giá tích cực cho yếu tố thanh khoản cao. Việc xuất hiện 1 nhịp điều chỉnh ngắn hạn để tạo nền giá mới trước khi tiếp tục đà tăng sẽ giúp đà tăng bền vững hơn việc tiếp tục nhịp tăng trên nền thanh khoản cao hơn 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Theo chuyên gia phân tích Nguyễn Huy Phương, tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phiên cuối tuần qua, thị trường tiếp tục có nỗ lực vượt vùng cản tâm lý 1.300 điểm, nhưng chưa thành công và đã phải “lùi bước”. Thanh khoản giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao, cho thấy nguồn cung vẫn đang duy trì áp lực lớn khi thị trường tiến đến vùng cản.

Với tín hiệu hiện tại, có khả năng diễn biến của thị trường sẽ tạm thời chậm lại và có thể có động thái điều chỉnh trong phiên giao dịch tiếp theo để kiểm tra lại dòng tiền hỗ trợ tại vùng 1.285 điểm.

Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong bối cảnh có nhiều thông tin thuận lợi trong nước và quốc tế.

Theo chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong tuần qua, thị trường đón nhận nhiều thông tin vĩ mô tích cực như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ; Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh quy mô chào thầu trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO), hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới; Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm, hạ lãi suất chính sách và lãi suất chuẩn thị trường. Động thái này sẽ bơm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (141,7 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thế giới gần đây diễn biến rất tích cực, điều này giúp giới đầu tư trong nước tự tin và mạnh dạn giải ngân mua cổ phiếu.

*Chứng khoán Mỹ tăng điểm tuần thứ ba liên tiếp

Chốt phiên 27/9, chỉ số Dow Jones chạm mức cao kỷ lục, khi số liệu lạm phát của Mỹ làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay hạ lãi suất tại cuộc họp vào tháng 11 tới.

Chỉ số Dow Jones tăng 0,33% lên 42.313 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 7 0,13% xuống 5.738,17 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,39% xuống 18.119,59 điểm.

Tuy nhiên, khi tính theo tuần, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng tuần thứ ba liên tiếp.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 8/2024 chỉ tăng 0,1% so với tháng 7/2024, đúng như dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters.

So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này tăng 2,2% trong tháng 8/2024. Thêm vào đó, chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 0,2% trong tháng trước. Mức tăng này thấp hơn so với ước tính 0,3%, nhưng cho thấy nền kinh tế vẫn duy trì được động lực trong quý III/2024.

Các thị trường đang nhận định Fed chắc chắn sẽ hạ lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 11 tới. Xác suất Fed hạ lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản hiện lên tới 56,7% sau khi số liệu lạm phát được công bố.

Fed đã khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ mới nhất vào ngày 18/9 với việc hạ lãi suất 50 điểm cơ bản.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ lên điểm gần như trong cả tuần qua. Chỉ số S&P 500 chốt phiên 26/9 cũng lập kỷ lục, sau khi nhà sản xuất chip Micron Technology đưa ra dự báo lợi nhuận lạc quan. Trong phiên trước đó vào ngày 24/9, thị trường chứng khoán Mỹ đã tiếp tục đà tăng và lập đỉnh mới, khi các nhà đầu tư lạc quan về gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc.

Chỉ số S&P 500 tăng 1,6% kể từ đầu tháng 9/2024. Trong khi đó, số liệu của FactSet cho thấy, khi chỉ còn một ngày giao dịch trong tháng Chín này, chỉ số S&P 500 đang trên đà tăng lần đầu tiên trong tháng 9 kể từ năm 2019.

Ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng của CFRA Research tại New York cho rằng, giới đầu tư vẫn đang giữ thái độ thận trọng, chờ xem liệu "hạ cánh mềm" có phải là kết quả khả dĩ nhất cho kinh tế Mỹ hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục